Hà Nội: Tổng Bí thư Đảng cầm quyền Ấn Độ thăm và làm việc tại chùa Quán Sứ

Sáng ngày 07 tháng Hai năm Mậu Tuất (23/03/2018), tại trụ sở TƯ GHPGVN (chùa Quán Sứ, Hà Nội), HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TƯ GHPGVN đã tiếp ông Ram Madhav – Tổng Bí thư Đảng Cầm quyền Ấn Độ nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Ấn Độ được biết đến là một quốc gia có chiều dài lịch sử trên năm ngàn năm, có nền văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú, đặc biệt đây là cái nôi ra đời của Phật giáo. Theo lời chia sẻ của ông Ram Madhav, ở Ấn Độ hiện có 20 triệu phật tử, trong đó Phật giáo được chia thành nhiều trường phái khác nhau:
– Ở miền Bắc: Phật giáo Đại thừa.
– Ở miền Trung và miền Nam: Phật giáo Tiểu thừa.
– Ở vùng Tây Tạng: Kim Cương Thừa.
Và chính các tu sĩ Ấn Độ là những người đầu tiên truyền đạo Phật vào nước ta. Dẫu trải qua bao biến cố lịch sử, những thăng trầm thời thế nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn phát triển đến ngày nay. Chính vì vậy, trong quá khứ đến hiện tại, Phật giáo Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ láng giềng sâu sắc và tương trợ lẫn nhau.
Hai bên trao tặng những món quà lưu niệm thể hiện tình đoàn kết phật giáo giữa 2 nước.
Tại buổi trò chuyện thân mật, ông Ram Madhav đã khái quát về tình hình giáo dục Phật giáo tại Ấn Độ và mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai quốc gia để Phật giáo ngày càng hưng thịnh.
Tại Ấn Độ hiện nay có các trường Đại học chuyên về đi sâu nghiên cứu và đào tạo Phật giáo như Đại học Nalanda, Đại học Gautam Buddha và trường Đại học Delhi có các khoa chuyên ngành về Phật giáo. Đặc biệt, Ấn Độ có thế mạnh về đào tạo tiếng Phạn.
Bởi vậy, ông Ram Madhav bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn mời nhiều tăng ni sinh Việt Nam đến học tập tại những ngôi trường trên nhằm mục đích muốn lưu giữ và kế truyền kinh điển Phật pháp bằng ngôn ngữ nguyên bản, nội dung chính xác nhất so với bản kinh gốc, tránh việc xuất hiện bản dịch kinh với nhiều “dị bản” như hiện nay.
Đáp lại lời mời chân tình, HT.Thích Thanh Nhiễu thay mặt Giáo hội đã gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Ram Madhav và cho biết, hiện nay có nhiều tăng ni sinh Việt Nam đang học tập tại Ấn Độ, hy vọng Chính phủ Ấn Độ sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa để tăng ni sinh có cơ hội sang du học và trau dồi kiến thức ngay tại cái nôi của đạo Phật. Đồng thời, Hòa thượng khẳng định việc trao đổi, đào tạo giáo dục Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Đại diện giữa 2 nước mong rằng trong tương lai, Phật giáo giữa hai nước có sự phát triển,
quan hệ, trao đổi, mật thiết, vững chắc hơn nữa.
Ông Ram Madhav vô cùng hoan nghênh và mời chư tăng ni Việt Nam sang Ấn Độ du học với học bổng 2 tháng, đặc biệt những vị với thành tích xuất sắc sẽ được mời giảng đạo ngay tại chính những trường Đại học Phật giáo ở Ấn Độ, song song với các vị giảng sư bản địa.
Vậy nên, chính Phật giáo là nền tảng kết nối giữa hai nước Ấn Độ – Việt Nam. Mối quan hệ tốt đẹp này không chỉ được phát triển trong quá khứ, hiện tại mà còn gắn kết hơn nữa trong tương lai bởi các hành động cụ thể như: kế hoạch ký biên bản ghi nhớ, chương trình trao đổi tăng ni sinh giữa hai nước; tổ chức chương trình nghiên cứu, trao đổi về sự du nhập Phật giáo tại Việt Nam; thực hiện bộ phim tài liệu về sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam;…
Từ những hành động thiết thực, cụ thể ấy có thể khẳng định một điều Phật giáo chính là sợi dây vững chắc, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia và tình hữu nghị ấy sẽ ngày càng bén rễ, vững bền như cội bồ đề nơi đức Phật vĩ đại đã giác ngộ hơn 2500 trước tại Ấn Độ…
Kim Tâm

 

Trả lời