NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THIỀN – TT THÍCH CHÂN QUANG – Phần 2

(Tiếp phần 1)

– Khi có nền tảng đạo đức, công đức, khí công rồi ta bắt đầu ngồi kiết già tọa thiền, hai chân khóa vào nhau, thẳng lưng, vai xuôi, hai bàn tay đặt lên nhau. Lúc đó hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay và bụng (đan điền) của chúng ta như tụ lại một chỗ. Ngồi như vậy ban đầu rất khó chịu, nhưng về sau lại tạo ra sự an ổn cho nội tâm. Ba đời chư Phật, mười phương chư Phật cũng chỉ ngồi tư thế đó. Tại sao như vậy, hãy thực hành theo rồi dần dần ta sẽ hiểu.

Ta ngồi đúng tư thế và giữ thân mềm mại mà bất động. Tại sao như vậy? Bởi thân và tâm là một. Nếu thân gồng cứng thì bộ não căng thẳng, còn thân loay hoay nhúc nhích thì tâm cũng xao động theo. Do đó phải giữ thân vừa mềm mại, vừa bất động. Khi bị vọng tưởng kéo đi, ta cũng trị vọng tưởng bằng cách trở lại biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân, giữ thân mềm mại bất động.

Tuy nhiên không phải ai cũng điều phục vọng tưởng được. Vậy điều gì làm cho sực nhớ quay lại biết rõ toàn thân, quay lại an trú toàn thân?

Chính là ba nền tảng đạo đức, công đức và khí công. Nhờ cái phước từ đạo đức, công đức làm ta quay trở lại biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân, giữ thân mềm mại bất động. Đó là nhờ cái phước. Tuy nhiên thật sự vẫn có chư Phật, chư Bồ tát, chư Hộ Pháp đang giữ gìn cái tâm cho ta, nếu mỗi ngày ta đều lễ Phật, sám hối, tụng kinh. Khi bắt đầu vào ngồi Thiền, ta có tác ý ba tâm hạnh: nguyện tôn kính Phật tuyệt đối, nguyện yêu thương chúng sinh vô hạn, nguyện giữ tâm khiêm hạ tột cùng như cỏ rác và tụng bài kệ vào Thiền:

“Xin Phật độ cho con
Luôn nhớ và hiểu rằng
Thân này không phải ta
Tâm này không phải ta
Chẳng có gì là ta
Trong từng hơi thở vào
Trong từng hơi thở ra
Trọn niềm tôn kính Phật”

Khi có tác ý này rồi thì Phật che chở ta trong lòng bàn tay của Ngài, dù nhìn thì thấy như ta đang ngồi đơn độc.

Kế tiếp nữa ta bắt đầu quán thân vô thường, đây là căn bản không thể bỏ qua. Trong bài kinh Thân Hành Niệm Phật dạy về pháp quán thân rất kĩ, phải quán từ lúc thân già, xấu, bệnh, không làm chủ được, phải lệ thuộc, sau đó là chết, chết rồi thân căng phồng, sình trương, chảy các loại dịch, bốc mùi, xương khô mục, rã thành bụi trong đất…

Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao Phật dạy kĩ quá, không ngờ lòng từ bi, trí tuệ, sự nghiêm khắc, kĩ lưỡng của Phật là không gì sánh được. Vì nếu quán thân còn sót điều nào thì trong thẳm sâu tiềm thức ta vẫn còn cái chấp về thân, chẳng hạn nếu chưa quán rằng xương sẽ mục rã thì thẳm sâu ta vẫn còn chấp cái xương chứ chưa buông xả hoàn toàn, đây là chỗ cực kì vi tế.

– Nếu ngồi thiền cứ quán thân như vậy thì tâm có động không?

Có động đôi chút, nhưng thời gian đó rút ngắn dần. Ban đầu ta phải quán mất 15 phút, dần dần chỉ mất 3 phút, 1 phút… rồi chỉ còn một sát na thôi, trong một tích tắc ta đã đi hết tiến trình quán thân vô thường.

Thời gian còn lại chính là lúc tâm ta rơi vào trạng thái “trống không mà tỉnh giác” (chứ không phải trống không mà mê mờ). Nhưng ta không giữ được lâu, rồi vọng tưởng lại nổi lên kéo ta đi. Khi này ta lại an trú toàn thân, biết thân vô thường.

( Còn tiếp)

Tuệ Đăng

Trả lời