VỊ TĂNG SĨ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN: DỌN NHÀ, DỌN CỬA, GỘT RỬA TÂM THỨC

Thượng tọa Shoukei Matsumoto, một vị tăng sĩ Phật giáo tu hành tại ngôi già lam Kim Giới Quang Minh Tự (金戒光明寺), ở thị trấn Kamiya, Tokyo, Nhật Bản, là người rất xem trọng việc sái tịnh. Trên thực tế, ngài xem việc ấy là một phần thiết yếu của cuộc sống lành mạnh, tích cực và thực hành giáo pháp của Phật. Cuốn sách được ngài viết về chủ đề này đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản và gần đây đã được dịch sang tiếng Anh.

Thượng tọa Shoukei Matsumoto nói:

Mỗi ngày của một vị tăng sĩ Phật giáo bắt đầu từ việc dọn dẹp. Chúng tôi làm việc đó để xua tan nỗi ưu phiền trong tâm thức”.

Cuốn sách ngắn của Thượng tọa Shoukei Matsumoto viết bằng tiếng Anh mang tựa đề “Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa tâm thức”, dựa trên truyền thống Phật giáo cổ đại, giải thích về cách thức mang lại sự yên tĩnh và trang nghiêm cho một ngôi chùa Phật giáo thông qua việc làm sạch (sái tịnh) với ý định: “Đó là một sự thực hành khổ hạnh rèn luyện tâm thức”, Thượng tọa Shoukei Matsumoto giải thích.

Không chỉ cung cấp những hiểu biết sâu sắc về trí tuệ của Phật giáo, cuốn sách còn đưa ra các gợi ý thực tiễn về việc sái tịnh và quan sát những thói quen gây lãng phí đang diễn ra trong xã hội tiêu dùng hiện đại. Thượng tọa Shoukei Matsumoto nhận xét: “Thực tiễn về việc sái tịnh, theo tôi có nghĩa là thói quen khi chúng ta quét, lau, đánh bóng, rửa sạch gọn gàng. Đây là một bước tiến trên con đường dẫn đến sự bình yên nội tâm. Trong Phật giáo Nhật Bản, chúng ta không tách rời một vấn đề khỏi môi trường của nó, và việc sái tịnh thể hiện sự tôn trọng và cảm giác của chúng ta với toàn thế giới xung quanh chúng ta”. (The Guardian)

Với nhiều tự viện Phật giáo tại Nhật Bản, sái tịnh là một bài tập buổi sáng diễn ra theo thường lệ, được người Nhật gọi là Soji. Các vị tăng sĩ và các thành viên của cộng đồng tham gia vào nghi thức sái tịnh, quét dọn, quét đường, dọn dẹp và làm khô các món ăn trong 20 phút. Tất cả đều được thực hành trong trạng thái tĩnh lặng, yên bình. Đây được coi như thiền, là một sự mở rộng thực hành của người Phật tử.

 

Thượng tọa Shoukei Matsumoto trả lời tờ The Guardian: “Tất nhiên, đứng ở vị trí là một vị tu sĩ, tôi luôn sử dụng các khái niệm và thực hành Phật giáo. Bạn không phải chuyển sang một tôn giáo mới để học những điều này. Nhiều hiệp hội của cộng đồng mang tư tưởng ‘tôn giáo’ có thể bao gồm một bộ quy tắc để điều chỉnh các giá trị và hành động của con người; việc tạo ra một thực thể siêu việt vô lý; hoặc ý tưởng của những người không thể nghĩ cho mình. Tuy nhiên, theo tôi, một tôn giáo đáng kính không tồn tại để ràng buộc giá trị hay hành động của mọi người. Nó xuất hiện để giải phóng con người khỏi những hệ thống trật tự và tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra. Trong các ký tự của tiếng Nhật, từ ‘tự do’ được viết là ‘tạo ra bởi chính mình’.

Nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn Phật giáo của Trưởng lão Châu Lợi Bàn Đặc (Suddhi Panthaka), một vị tăng sĩ có trí nhớ kém lạ thường dù ngài vẫn còn trẻ và có khuôn mặt rất khôi ngô. Xuất gia cùng đợt với người anh ruột, cùng nghe đức Phật thuyết pháp; thế nhưng, trong khi người anh đắc quả A La Hán thì Châu Lợi Bàn Đặc vẫn chưa thuộc nổi một bài kệ bốn câu, dù ngài đã cố gắng đem hết tâm sức để học nó trong suốt mấy tháng liền. Nhưng cuối cùng Châu Lợi Bàn Đặc đã đạt được giác ngộ, chứng quả A La Hán thông qua hành động đơn giản là công việc “Quét dọn”.

Thượng tọa Shoukei Matsumoto nhấn mạnh: “Việc thực hành làm sạch (sái tịnh) theo nghi thức, liên quan đến việc loại bỏ mộng tưởng điên đảo và gia tăng sự hiểu biết Phật giáo về vô ngã (Sht. Anatman). Thượng tọa Shoukei Matsumoto lưu ý rằng những gì chúng ta xem là tính cách của chúng ta chỉ đơn thuần là ảo tưởng, được tạo ra từ những cái Ta của chúng ta, Ngài giải thích: “Các nhân vật cho ‘con người’ bằng tiếng Nhật có nghĩa là ‘người’ và ‘giữa’. Do đó, bạn là một con người chỉ tồn tại thông qua mối quan hệ với người khác, những người như bạn bè, đồng nghiệp và người thân trong gia đình. Bạn là một người có các trạng thái đặc biệt, biểu hiện trên khuôn mặt và hành vi, nhưng những điều này chỉ xuất hiện khi có sự tương tác và kết nối giữa bạn với người khác. Đây là khái niệm Phật giáo “En” hay sự phụ thuộc lẫn nhau”.

Thượng tọa Shoukei Matsumoto thuộc Tịnh độ Chân tông Phật giáo Nhật Bản, người sáng lập trang mạng ảo “Higanji”, một trong những trang web phổ biến nhất của Phật giáo Nhật Bản. Ngài đã xuất bản hơn 5 cuốn sách bằng tiếng Nhật, một số đã được dịch sang các ngôn ngữ khác. Ngài được đề cử là thành viên của Tổ chức Lãnh đạo trẻ Thế giới 2013 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thị trấn Davos, bang Graubunden, Thụy Sĩ.

 -Sưu tầm-

 

 

Trả lời