Bangladesh: Xây Dựng Tượng Phật Vì An Lạc Hòa Hợp Xã Hội

Pho tượng đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 13,7 mét (45-foot) được dựng lên ở khu Chittagong Hill, Bangladesh, thuộc khuôn viên ngôi già lam Tainkhalipara Sanghamitva Seva Sangha Vihar (TSSSV) đã trở thành một biểu tượng của sự hợp nhất cộng đồng trong một khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi sự xung đột và bất ổn.

Tôn tượng Ngài được xây dựng do Hòa thượng U.Waisudha Mahathera trụ trì ngôi già lam TSSSV và cư sĩ Paimang Marma hộ trợ, một du khách thập phương hành hương thường xuyên với bản tự.

Công trình pho tượng Phật đài lộ thiên này đã tốn thời gian hai năm để xây dựng, với sự giúp đỡ của một kiến trúc sư từ xứ chùa tháp Myanmar. Công trình xây dựng pho tượng với tổng kinh phí là 3,5 triệu taka (42.000 USD), với sự đóng góp của các cộng đồng Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hindu giáo và Hồi giáo, cũng như các đại diện chính quyền địa phương, các chính trị gia.

Ngôi già lam cách quận lỵ Bandarban 20 km, được thành lập ở quận Bandarban cách đây 18 năm và gồm một trường học và trung tâm Thiền Phật giáo.
Cư sĩ Niladhan Tanchyanga, một đệ tử của Hòa thượng Waisudha, nhận xét rằng ngay cả những người của các tôn giáo khác cũng đã kính tin ngưỡng mộ Hòa thượng Waisudha, đó là lý do tại sao họ sẵn sàng phát tâm cúng dường tịnh tài tịnh vật cho việc xây dựng pho tượng Phật, đóng góp giúp ngôi già lam Tainkhalipara Sanghamitva Seva Sangha Vihar (TSSSV), bao gồm cả trường học.
Việc xây dựng pho tượng Phật được hoàn thành vào cuối tháng 11/2017, đã phải đối mặt với nhiều chướng ngại. Khi ngôi già lam Ajalcuga ở quận Rangamati lân cận muốn xây dựng pho tượng cao 3 mét vào năm 2014, đã có sự phản đối mạnh mẽ từ Chính quyền địa phương.
Thậm chí, Chính quyền địa phương còn đưa ra 144 quy định cấm đối với Phật giáo đồ trong khu vực, khẳng định rằng các khu vực trong rừng được bảo vệ nằm ngoài giới hạn để xây dựng bất kỳ loại hình định cư nào. Tuy nhiên họ cũng tìm cách tước đi quyền xây dựng các cấu trúc tôn giáo của các cộng đồng Phật giáo và các tổ chức xứ khác ở Chittagong Hill.
Theo Hòa thượng Waisudha, pho tượng cao 13,7 mét là pho tượng Phật với tư thế ngồi lớn nhất trong nước, mặc dù Bangladesh có hai pho tượng khác: Pho tượng Phật Nhập Niết Bàn (nằm nghiêng bên hữu) tọa lạc tại quận Cox’s Bazar, và một tượng Phật đứng ở quận Khagrachari thuộc khu Chittagong Hill.
Hòa thượng Jinabodhi, Giáo sư Đại học Pali thuộc Đại học Chittagong, lưu ý rằng các pho tượng Phật thiền định có giá trị đáng kể trong văn hóa Phật giáo, và việc xây dựng pho tượng này sẽ mang lại vinh dự lớn cho quốc gia Bangladesh. Ngài bày tỏ hy vọng hình tượng sẽ thu hút được nhiều du khách thập phương hành hương, cả Bangladesh và nước ngoài, những người sẽ đến Chittagong Hill để chiêm bái bức tượng.
Trong vài năm gần đây, Bangladesh đã chứng kiến một số vụ cố ý tấn công vào các công trình Phật giáo và các ngôi già lam cổ tự, điển hình ở xu hướng tăng cường tấn công và bạo lực chống lại Phật giáo và các nhóm thiểu số khác trong nước.
Tượng Phật ở ngôi già lam Tainkhalipara Sanghamitva Seva Sangha Vihar (TSSSV), do các nhà tài trợ từ nhiều tôn giáo và các dân tộc khác nhau, đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác và hòa hợp của đất nước.
Vân Tuyền

Trả lời