CÓ CHUYỆN TUYỆT THỰC TRONG TẬP KHÍ CÔNG?

CÓ CHUYỆN TUYỆT THỰC TRONG TẬP KHÍ CÔNG?

Theo bác sĩ Lê Văn Vĩnh, một người nghiên cứu về khí công đã lâu, thì khí công bắt nguồn từ Ấn Độ, được đưa sang Trung Quốc và kể từ đó phát triển ra hàng trăm môn phái khác nhau.

Hiện nay có hai trường phái chính là khí công Ấn Độ (còn gọi là yoga, đã có ở Ấn Độ từ gần 5.000 năm và cũng có nhiều môn phái khác nhau). Trường phái khí công Trung Quốc cũng có hàng trăm môn phái khác nhau. Nhưng, dù có thuộc môn phái nào, thì khí công cũng hướng đến sự trường thọ, đem lại sức khỏe tốt cho con người.

Còn theo lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN), tác dụng của khí công theo quan niệm của y học cổ truyền là “Dục đắc bất lão, hoàn tinh bổ não” (ý nói muốn trẻ mãi lâu già thì phải tập luyện, chăm sóc bồi bổ trí não; tập khí công để khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ).

Luyện khí công tức là công phu luyện thở gồm có hai loại: tĩnh công (ngồi để điều tức – là thở); và động công (múa với nhiều động tác, kèm với thở hít đúng phương pháp).

Theo các nhà chuyên môn, việc tập khí công cần có người hướng dẫn, tập đúng phương pháp, bài bản, phù hợp sức chịu đựng của cơ thể… nếu không sẽ bị “tẩu hỏa”, không đem lại kết quả mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Khí công cũng không phải là phương pháp trị bá bệnh, mà tập khí công nhằm tăng tuổi thọ, nâng cao sức chịu đựng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật.

Những năm gần đây, có một số người truyền miệng nhau về biện pháp tuyệt thực kết hợp tập khí công để phòng, chữa bệnh.

Bác sĩ Lê Văn Vĩnh cho rằng: “Phần lớn sự truyền miệng về nhịn ăn khi tập khí công xuất phát từ những người Việt ở Mỹ về, họ cũng đưa ra một số tài liệu nói về nhịn ăn, cho rằng “nhịn ăn là để tẩy rửa cơ thể”, nhưng những tài liệu này không rõ xuất xứ. Cả hai trường phái khí công ở Ấn Độ và ở Trung Quốc đều không nói về việc nhịn ăn, mà có nói về phương pháp dinh dưỡng hợp với dưỡng sinh bốn mùa. Nếu nói khí công mà nhịn ăn là phi khoa học, vì kinh tỳ (tỳ vị) là nơi vận chuyển khí từ thức ăn để đi qua kinh lạc nuôi cơ thể. Thức ăn biến thành khí gọi là thủy cốc khí, thì cần phải có thủy cốc khí (rau quả, cơm nước…) để nuôi cơ thể. Nếu thiếu nó thì cơ thể sẽ không có khí, bị diệt vong”.

Khí công Ấn Độ (tức là yoga), không có quá nhiều môn phái như ở Trung Quốc, và lý thuyết đơn giản hơn, nên sự truyền bá yoga ít bị sai lạc như khí công của Trung Quốc.Một người có chuyên môn về khí công khác là lương y Phan Cao Bình cho biết: “Trong các môn phái của khí công, không nói về chuyện nhịn ăn hoàn toàn, mà có nói về phương pháp ăn uống thích hợp, ăn kiêng, kết hợp với những bài tập luyện. Những năm gần đây, một số trường phái không chính thống, để gọi là “làm mới” môn phái, họ đã ưu tiên đưa biện pháp nhịn ăn lên hàng đầu rồi truyền tai nhau. Đây là điều rất nguy hiểm! Gần đây, cũng có một người Việt ở nước ngoài về có đến gặp tôi và nói về biện pháp nhịn ăn trong tập khí công, ông cũng đưa chuyện nhịn ăn lên hàng đầu, nhưng tôi không cổ xúy cho điều này”.

Tương tự, lương y Vũ Quốc Trung cũng nói: “Ở các trường phái, môn phái của khí công không có chuyện khuyên về nhịn ăn hoàn toàn”.

“Đã có một số trường hợp tại nước ngoài người ta chết vì kiểu nhịn ăn và khổ luyện”, lương y Phan Cao Bình khuyến cáo.

Một số lưu ý khi tập khí công

Theo bác sĩ Lê Văn Vĩnh, tập khí công cần tập trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 1 giờ. Nếu tập lúc no quá sẽ bị khí trệ; nếu tập lúc đói quá sẽ bị khí loãng và mất khí. Lưu ý không nên tập trong phòng lạnh (nhiều người hay mắc lỗi này). Bất cứ môn tập khí công nào cũng nên tránh những tà khí có hại cho cơ thể, đó là: Hàn (không tập ngoài trời lạnh quá), phong (không tập ngoài trời có gió nhiều quá), thấp (không tập nơi ẩm thấp)… Phụ nữ đang mang thai không được tập khí công, vì những động tác thở dễ làm động thai.

Còn theo lương y Phan Cao Bình, nên tập mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần chừng 30 phút, và tập lúc sáng sớm là tốt nhất.
Bác sĩ Lê Văn Vĩnh cũng cho biết, trước đây ông cũng đã từng gặp người có bệnh mãn tính, có người mắc ung thư, và họ đã nghe theo một “trường phái” nào đó hướng dẫn nhịn ăn, tập khí công, nhưng không hề hết bệnh, mà bệnh còn nặng hơn. “Phần lớn, với những người này, khi có vấn đề, hậu quả gì do nhịn ăn, thì họ và người thân ít khi nói ra sự thật”, bác sĩ Vĩnh nói.

“Vào thất”

Chúng tôi cũng gặp ông T.M.Q (người đã từng có 10 năm theo tập khí công). Ông Q. nói: “Cần biết rằng, tập khí công và nhịn ăn phải có phương pháp khoa học, chứ không phải nhịn hoàn toàn trong ăn uống, nếu lạm dụng rất nguy hiểm tính mạng”. Ông Q. cho biết, có 3 “trường phái” truyền nhau mà ông biết khi “vào thất” (nhịn ăn) trong tập khí công, đó là: nhịn ăn (chỉ uống nước lã); nhịn ăn, chỉ uống nước dừa; và nhịn ăn uống nước chanh đường (nhịn ăn mấy ngày liên tiếp).

Theo ông Q, cách nhịn ăn uống nước chanh đường là hợp lý nhất, vì đường có năng lượng nuôi cơ thể; và lưu ý, với những người mới “vào thất” lần đầu thì một thất chỉ tối đa từ 3-7 ngày, một năm chỉ được “vào thất” 1 lần như thế. Chỉ những bậc thuộc hàng sư phụ, cao tăng thì một năm mới có thể tiến hành 2-3 thất! Trong lúc “vào thất”, pha nước chanh đường để sẵn, hễ thấy đói là uống thay cơm nuôi cơ thể; và phải có người hộ thất – có sư phụ (người hướng dẫn) giám sát trong lúc “vào thất”, nếu thấy không ổn thì sư phụ sẽ cho “ra thất” để không bị nguy hiểm. Mục đích “vào thất” là để thanh lọc cơ thể (trong lúc cơ thể không tiếp nhận nhiều loại thức ăn, dầu mỡ). Thường khi “vào thất” sẽ giảm 2-3 kg. Lúc mới “ra thất” phải ăn nhẹ, thức ăn dễ tiêu và phải có thầy hướng dẫn cách thở đúng…

Theo lương y Phan Cao Bình: “Việc “vào thất” cũng có một số người áp dụng, nhưng không phải nhịn ăn hoàn toàn”.

-Sưu tầm-

Trả lời