THIỀN – TT Thích Chân Quang – Phần 1

Mục tiêu tối thượng của thiền định trong đạo Phật là đạt đến Vô Ngã, giải thoát Niết Bàn. Đức Phật thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng bằng pháp môn Thiền Định.

Thiền là phương pháp thực hành nhiếp tâm vào định, đưa tâm trí đến chỗ an tĩnh, sáng suốt, không xuất hiện ý nghĩ, không dấy động tình cảm…, đặc biệt là giúp hành giả diệt trừ Bản Ngã, chấm dứt vô minh và chứng đạo giải thoát giác ngộ.
Bắt đầu cho sự thiền định và để đạt kết quả tốt trong công phu tu tập, trước hết, chúng ta phải chuẩn bị ba nền tảng căn bản vững chắc. Đó là Đạo Đức, Công Đức, Khí Công.

Đạo Đức là sự thánh thiện trong sách trong tâm hồn, với lòng tôn kính Phật, thương yêu chúng sinh, và khiêm hạ tột cùng.
Công Đức là công lao đem an vui, hạnh phúc, đạo lý đến cho mọi người.
Khí công là để giữ tiềm lực luôn lắng xuống dưới, giúp cho não bộ ổn định trong sự tu tập.

Kỹ Thuật căn bản

Chuẩn bị

Trước khi tọa thiền hành giải cần chuẩn bị:
Trải một tấm tọa cụ trên mặt phẳng. Kích thước tọa cụ phải rộng hơn diện tích ngồi. Tọa cụ có thể làm bằng vải dày, bằng chiếu lát, hoặc bằng một miếng đệm mỏng để ngăn cho hơi ẩm dưới đất thấm lên trên và để giúp bớt cấn da thịt.
Đừng mặc quần áo chật chội, bó chặt. Nhưng cũng không nên mặc quần áo thiếu trang nghiêm. Nếu ngồi trong Chánh điện hoặc nơi trang nghiêm thì nên mặc áo tràng.
Ánh sáng vừa phải đừng sáng quá cũng đừng tối đen. Tránh chỗ gió thổi đến từ sau lưng. Nơi yên tĩnh vẫn là chỗ thích hợp nhất cho việc tọa thiền.
Sắp xếp thời gian đều đặn mỗi ngày để tọa thiền thì tốt. Còn không thì tùy những lúc thuận tiện mà ngồi. Không nên ngồi những lúc bụng còn no. Nếu bắt đầu ngồi thì nên ngồi khoảng 30 phút.
Không nên bày tỏ khoe khoang cho người khác biết là mình có tu tập thiền định vì có thể làm công phu bị lui sụt. Nên ngồi chỗ không ai trông thấy, trừ khi ngồi chung tập thể.

Phương pháp

Hành giả theo thứ tự thực hành công phu tu tập thiền định như sau:
BẮT ĐẦU:

LỄ PHẬT

Phải lễ phật ba lễ với lòng tôn kính tuyệt đối

NGỒI KIẾT GIÀ

Bắt chân trái đặt lên đùi chân phải, sau đó kéo chân phải vắt lên đùi chân trái. Hai bàn chân nằm vắt lên đùi ở một vị trí vừa phải, không quá sát hông, cũng không quá xa hông.

KỆ VÀO THIỀN

Khi đã ngồi đúng tư thế nghiêm trang. Hành giả chắp tay đọc bài kệ vào thiền (nếu ngồi một mình thì niệm thầm, nếu ngồi tập thể thì niệm lớn chung với đại chúng).
“Xin Phật độ cho con
Luôn nhớ và hiểu rằng
Thân chẳng phải là ta
Tâm chẳng phải là ta
Chẳng có gì là ta
Trong từng hơi thở vào
Trong từng hơi thở ra
Trọn niềm Tôn Kính Phật”
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

TÁC Ý BA TÂM HẠNH

(Sau khi đọc bài kệ vào thiền và niệm Phật xong, vẫn chắp tay tiếp tục tác ý thầm ba tâm hạnh)
· -Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết tôn kính Chư Phật, Chư Tổ, Chư Hiền Thánh Tăng với lòng tôn kính tuyệt đối vô lượng, vô biên.
· -Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết trải lòng thương yêu khắp tất cả chúng sinh, dù là thế giới hữu hình hay thế giới vô hình. Cho con thương yêu loài người, cũng như cỏ cây, chim thú trong rừng, cá trong nước, cho đến chúng sanh trong địa ngục.
· -Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết giữ lòng khiêm hạ, lúc nào cũng thấy mình như cỏ rác, cát bụi.
· (Nếu là người xuất gia, chúng ta tác ý thêm một tâm nguyện nữa):
-Con nguyện lòng quyết tâm giữ được sự vô nhiễm trong sạch.
(Sau khi tác ý 3 tâm hạnh xong, hành giả bắt đầu thực hiện công phu điều thân).
Kể từ bước này trở đi, tùy thuộc vào trình độ tu tập mà độ dài ngắn cho thích hợp, nhưng đảm bảo là có đủ các bước.

(Hết phần 1)

Trả lời