Bí Ẩn Ngôi Chùa Huyền Không “Dính Chặt” Vách Núi (Phần 2)

1. Chốn tu hành ở chùa Huyền Không

Chùa Huyền Không có hơn 40 điện thờ, lối đi giữa những điện thờ này là cầu treo trên không, có cái là đường gấp khúc được xếp gỗ kín, có chỗ phải trèo lên vách đá để đi, có chỗ phải vượt qua vách đá và trèo qua cửa sổ để vào phòng, cao thấp quanh co giống như mê cung. Trên dưới lầu các có thang hình xoắn ốc, đi trên thang này, người đi trước giống như giẫm lên đầu người đi sau. Ngoài ra, xuyên qua khe hở giữa các tấm ván cầu thang có thể nhìn thấy vực núi sâu trăm trượng khiến ai ai cũng thấy kinh sợ.

Thế nhưng đối với những hòa thượng dốc lòng tu hành mà nói, những điều này không có gì đáng sợ cả.

Những ý nghĩ như: “Đừng để bị gió thổi bay xuống dưới!”, “Rơi xuống dưới sẽ bị mất mạng!”… sẽ không xuất hiện trong đầu những người tu hành. Đối với những người tu hành mà nói, việc sinh tử đã được họ xem nhẹ bởi vì trong lòng họ đã có Phật nên tâm sẽ ổn định.

Chốn tu hành ở chùa Huyền Không
Chốn tu hành ở chùa Huyền Không

Chùa Huyền Không là bằng chứng cho chính tín đối với Phật của người tu luyện. Nếu không có chính tín đối với Phật Pháp thì sao có thể dựng nên được ngôi chùa vững chãi nghìn năm trên vách núi dựng đứng kia?

Cho dù là du khách đời sau, khi tự thân trải nghiệm cũng không có cảm giác lung lay mà là cảm giác vững chãi trang nghiêm bất động như núi, ở độ cao nguy hiểm mà an định.

2. Kiến trúc bên trong chùa Huyền Không

Kiến trúc bên trong của chùa Huyền Không phong phú, tịch mịch, không gian chật hẹp. Tất cả có 40 điện thờ to nhỏ khác nhau. Gian lớn nhất rộng khoảng 36,4 m2, gian nhỏ nhất rộng 5m2, có cái cao hơn 10 thước, có cái cao chỉ mấy thước, có cái đối lập nhau nhưng cũng có tương xứng, trong đối xứng có biến hóa, trong phân tán có liên hệ, không chỉnh tề làm một nhưng cũng không bừa bộn mất trật tự.

Kiến trúc bên trong chùa Huyền Không
Kiến trúc bên trong chùa Huyền Không

Bên trong chùa Huyền Không có hơn 80 bức tượng Phật được đúc bằng đồng, đúc bằng sắt, nặn bằng đất sét, điêu khắc đá… có độ cao thấp phù hợp với độ cao thấp của điện thờ. Đồng thời, cũng vì tôn ti chức vị mà những bức tượng Phật có hình thái khác nhau.

Trong đó, tại Lôi âm điện thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, được nặn bằng đất sét có thân hình đầy đặn, tỷ lệ vừa phải, diện mạo mượt mà, biểu cảm rất thật, là bức tượng Phật trân quý của chùa. Tại điện Tam Phật có thờ tượng Bồ Tát Vi Đà được đúc bằng sắt, thân thể cường tráng, thần thái uy vũ, áo mũ trau chuốt tinh tế.

Tổ hợp công trình cuối cùng chủ yếu là sảnh đường Sanjiao cao nhất trong chùa, với đầu hồi có ba mái hiên và mái hình tháp chín nóc.

Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa tôn giáo và văn hóa của xã hội phong kiến Trung Quốc. Tượng Thích Ca Mâu Ni đứng giữa, Lão Tử ở bên phải và Khổng Tử ở bên trái trong Tam giáo đường. Biểu trưng cho ẩn ý sâu kín hiện diện trong những học thuyết khác nhau của cả ba nhà sáng lập, kỹ thuật điêu khắc tượng thực sự tinh tế và được đánh giá là đỉnh cao.

Tượng Thích Ca Mâu Ni đứng giữa, Lão Tử ở bên phải và Khổng Tử ở bên trái trong chùa Huyền Không
Tượng Thích Ca Mâu Ni đứng giữa, Lão Tử ở bên phải và Khổng Tử ở bên trái trong chùa Huyền Không

3. Chùa Huyền Không ngàn năm sương gió vẫn trường tồn

Chùa Huyền Không có lịch sử 1400 – 1500 năm, trải qua ngàn năm sương gió mà vẫn trường tồn, nhiều lần trải qua động đất mà vẫn đứng vững.

Chùa Huyền Không ngàn năm sương gió
Chùa Huyền Không ngàn năm sương gió

Chùa Huyền Không nằm trong thung lũng nhỏ của “thâm sơn hợp cốc,” hoàn toàn được treo trên vách đá, từ đỉnh núi xòa dốc xuống như một chiếc ô khiến cho ngôi chùa cổ vừa không bị nước mưa xói mòn, lại vừa tránh bị nham thạch rơi xuống.

Nơi đây, mỗi năm chỉ có 3 tháng ánh mặt trời chiếu rọi trực tiếp với thời lượng là 2 giờ mỗi ngày giúp cho ngôi chùa không bị nắng hủy hoại.

Một năm có 4 mùa, gió núi không ngừng, khí hậu khô khiến cho kết cấu gỗ của ngôi chùa không bị mục.

Ngôi chùa cách mặt nước 90m nên mặc cho mưa lũ, hồng thủy dâng trào, ngôi chùa cũng không bị nhấn chìm.

Trong lịch sử huyện Hỗn Nguyên từng ghi lại nhiều lần bị động đất. Trong 50 năm gần đây, có xảy ra 3 lần động đất cấp 6 Richter. Vào năm 1989 xảy ra một trận động đất 6,1 độ Richter và vào năm 1992 xảy ra một trận động đất 5.6 độ Richter nhưng chùa Huyền Không đã không hề bị một tổn thương nào.

Trong khi đó huyện Hỗn Nguyên có hơn 10.000 ngôi nhà bị phá hủy. Có thể thấy rằng chùa Huyền Không là một nơi gió thổi không đến, mưa xối không vào, nắng chiếu không cháy, đá vỡ không chạm, nước tràn không qua. Chính là nơi được nhận sự bảo hộ của Thần linh cho nên dù phải chịu ngàn năm sương gió nhưng vẫn trường tồn bất diệt, hàng ngàn chúng sinh leo lên mà không bị hủy.

Mời quý vị đạo hữu xem thêm các bài viết hay khác:

 

 

Trả lời