Xúc Động Lễ Truy Điệu Chị Nguyễn Hướng Dương – Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù.

1. Tưởng niệm chị Nguyễn Hướng Dương – Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù.

Sáng ngày 28-4, tại trụ sở Thư viện sách nói dành cho người mù (18B Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) đã diễn ra lễ truy điệu và động quan linh cữu chị Nguyễn Hướng Dương (pháp danh Hạnh An), Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Quỹ Từ thiện sách nói dành cho người mù đọc lời tưởng niệm, cho biết, chị Nguyễn Hướng Dương sinh ngày 9-7-1971, trong gia đình gia giáo, có truyền thống yêu nước. Thời trung học, năm nào chị cũng là học sinh giỏi, được thành phố nhiều lần cử đi tham gia các sinh hoạt cộng đồng tại nước ngoài.

Năm 25 tuổi, khi đang là một hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp thì tai nạn giao thông đã cướp mất đôi chân của của chị. Nhưng đau đớn và tuyệt vọng đã không thể đánh gục ý chí vươn lên trong cuộc sống của Hướng Dương. Sau gần 2 năm chữa trị và tập đi với đôi chân giả, chị tự tìm đến với các hoạt động giúp đỡ cộng đồng.

Tưởng niệm chị Nguyễn Hướng Dương - Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù
Tưởng niệm chị Nguyễn Hướng Dương – Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù

2. Tổ chức Thư viện sách nói giúp cho các em người mù

Được đến thăm các em người mù Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, tại đây chị đã giúp các em nghe bài học bằng chính giọng truyền cảm của mình. Sự thích thú của các em đã thúc đẩy chị sáng kiến tổ chức Thư viện sách nói giúp cho các em người mù trong việc học tập.

Ban đầu Thư viện chỉ là một chiếc máy cassette tại cơ sở của Trung tâm UNESCO Bình Thạnh, ra đời ngày 19-5-1998. Sau đó Công ty Thế kỷ 21 đã cho mượn phòng thu, Tổng Lãnh sự Nhật tại TP.HCM tài trợ dàn máy thu âm đầu tiên, rồi phòng thu thứ 2 đã được Hiệp hội Dệt may Việt Nam giúp đỡ…

Sách nói đã được sản xuất và cung cấp miễn phí mỗi ngày nhiều hơn, từ sách giáo khoa cho học sinh trung học đến các sách đọc thêm, sách học làm người, tác phẩm văn học trong, ngoài nước, sách Phật giáo… qua băng đĩa và qua trang sachnoionline.com.

Hiện nay thư viện đã có gần 2.000 đầu sách nói, cung cấp miễn phí cho gần 100 trường học, cơ sở nuôi dạy trẻ mù và các hội người mù trong cả nước.

Chị Nguyễn Hướng Dương hát cùng các bạn trẻ khiếm thị tại một sự kiện
Chị Nguyễn Hướng Dương hát cùng các bạn trẻ khiếm thị tại một sự kiện

Tấm lòng nối tiếp tấm lòng, nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân, tình nguyện viên tìm đến giúp đỡ, Thư viện sách nói có nhiều hoạt động giúp đỡ người mù, như vận động hàng nghìn suất học bổng Hướng Dương để hỗ trợ sinh viên mù học đại học; học bổng Ánh Sen cho học sinh mù vượt khó; chương trình Thắp sáng niềm tin hỗ trợ cho khoảng 700 học sinh mù du lịch biển mỗi năm; chương trình Cờ vua đến Cây gậy dò đường, dạy vi tính cho người mù…

Hoạt động của chị đã thắp lên ngọn lửa tin yêu vào cuộc sống của các em học sinh và sinh viên mù. Với những cống hiến đó, chị nhận được nhiều phần thưởng cao quý là Gương mặt trẻ thành phố 30 năm giải phóng, Huy chương vì hạnh phúc người mù, Huy hiệu TP.HCM, Danh hiệu người Phụ nữ vượt lên số phận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bằng khen của UBND TP.HCM và Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước…

3. Lời tưởng niệm chị của Chủ tịch Quỹ Từ thiện sách nói dành cho người mù

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Quỹ từ thiện sách đọc lời tưởng niệm chị Nguyễn Hướng Dương
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Quỹ từ thiện sách đọc lời tưởng niệm chị Nguyễn Hướng Dương

“Những tưởng Hướng Dương sẽ còn nhiều năm phục vụ cộng đồng vì cháu còn rất trẻ,… rồi Hướng Dương ra đi đột ngột khi công việc vẫn còn đang tiếp diễn, cuốn sách kia vẫn đọc chưa xong, đội tuyển cờ vua đang chờ kế hoạch huấn luyện, lớp vi tính cho người mù chỉ vừa khởi động, trụ sở Thư viện sách nói dành cho người mù – niềm mong ước cháy bỏng của Hướng Dương trong gần 20 năm qua chỉ vừa được khánh thành…

Chúng ta đến đây để bày tỏ lòng yêu thương kính phục cháu – một người đã làm được bao nhiêu là việc tốt trong một cuộc sống ngắn ngủi. Cháu ơi, duyên nghiệp của cháu với cõi trần này đã hết. Cháu hãy thanh thản đi về nơi vĩnh hằng, nơi mà chắc chắn cháu sẽ được hưởng phúc quả những gì cháu đã tạo nhân trong bao năm qua. Cậu và các thành viên Hội đồng quản lý quỹ cũng như các đồng đội những người mù sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhất những hoài bão của cháu cho Thư viện sách nói. Cháu hãy yên tâm”, ông Lê Quốc Ân xúc động bày tỏ.

Trong buổi lễ, các em khuyết tật và thầy giáo Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu hát tiễn chị bài “Khát vọng”.
Trong buổi lễ, các em khuyết tật và thầy giáo Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu hát tiễn chị bài “Khát vọng”.

Sau nghi thức tưởng niệm là lễ động quan, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM).

Trả lời