“BOT đền chùa”: Có Tiền Mới Được Vào Cửa Phật?

Mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất, Yên Tử khai hội. Dòng người từ khắp nơi đổ về khu du lịch tâm linh khiến giao thông tắc nghẽn vài cây số. Khác với mọi năm, từ ngày 1.1 năm nay, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tiến hành thu phí tham quan với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em.

Lý giải cho việc thu phí ở Yên Tử, ông Phạm Tuấn Đạt – Phó Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho hay, TP đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cấp, ngành, Giáo hội Phật giáo tỉnh và tỉ lệ thống nhất thu phí đạt hơn 90%.

Còn UBND huyện Thạch Thất có hẳn bảng công khai lý lo thu phí là: Căn cứ Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của HĐND TP. Hà Nội về thu phí, lệ phí; Căn cứ QĐ số 53/2016/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 và QĐ số 58/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP Hà Nội…

Tóm lại, việc thu phí vào chùa được viện dẫn bởi nhiều quyết định, nghị quyết, hội nghị… rất đúng quy trình. Tuy nhiên, những điều đó khiến nhiều người ngỡ ngàng, bức xúc và không thể đúng quy trình thực hành tâm linh.

Nhiều người nói đùa nhưng rất thật khi có sự so sánh với thực trạng này thì cửa chùa đã mang dáng dấp trạm thu phí BOT, nghĩa là muốn vào thì nộp phí, không nộp thì không vào. Các chùa này còn tổ chức bán vé tại nhiều điểm khác nhau không khác chi cách tổ chức của các “Game show” ca nhạc thời @.
 
Vấn đề đặt ra là liệu động thái này đã được lấy ý kiến rộng rãi trong dân, đã được trên 90% đối tượng được lấy ý kiến đồng tình. Đối tượng lấy ý kiến là ai? Số tiền thu được liệu có được dùng vào việc nâng cấp, bảo dưỡng, duy tu như nhiều lãnh đạo có trách nhiệm phát biểu trước báo giới và nhân dân? Và việc thu phí như vừa nêu có đúng với lời răn của đức Phật lúc sinh thời hay lại là một hình thức tận thu với du khách có nhu cầu du lịch, tham quan, tưởng Phật.

Cửa chùa luôn rộng mở cho chúng sinh. Đó là nơi chúng sinh ba đào đến với Phật, thấm nhuần tinh thần Đức Phật, ngẫm về sự lý giải nỗi khổ của kiếp người, đó là bởi tham – sân – si, là sở cầu bất đắc (muốn mà không được), oán tăng hội (không ưa mà vẫn phải ở với nhau)… Đến với cửa chùa là để chiêm ngưỡng chính quả của Đức Phật và soi vào chính tâm hồn, đạo đức của mình để tự răn, sửa mình; để thúc đẩy mầm thiện, tạo động lực sống tích cực, hoàn thiện hơn trong cách ứng xử văn hoá với mọi người, với thiên nhiên và với chính mình. Cửa Phật không phải nơi để xin xỏ, ngã giá và mặc cả.

Nhưng đáng tiếc, vẫn còn rất nhiều người mê lầm, đến cửa Phật lại để khởi lòng tham và lòng dục, cầu khấn, mặc cả đủ điều. Và theo đó, các dịch vụ đua nhau mọc lên, thùng công đức lập ở khắp nơi, người ta đua nhau trục lợi tín ngưỡng, tâm linh. Cả không gian linh thiêng nơi cửa chùa trở thành cái chợ.

Những nhà quản lý đã và sẽ lý giải việc bán vé vào chùa là để “tái đầu tư”, phục vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích. Xưa nay, việc góp công, góp của tô tượng, đúc chuông là việc làm công đức, tạo phước của chúng sinh. Hàng nghìn ngôi chùa đã được xây dựng, tu bổ bằng cách đó mà không cần phải bán vé.

Nay tổ chức bán vé chẳng khác gì cách BOT nơi cửa Phật. Cứ đà này, nếu số tiền dần tăng lên thì chẳng lẽ chỉ người có tiền mới được đến cửa chùa. Người nghèo chẳng lẽ chỉ đứng trước cổng chùa mà bái Phật? Không lẽ đến với Phật, tâm không thôi chưa đủ mà phải có tiền? Đức Phật chưa bao giờ dạy chúng sinh như vậy.

Càng lo lắng hơn liệu đây có là tiền lệ để hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cơ sở thờ tự khác không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, vùng miền sẽ làm theo? Bởi nơi khác làm được thì nơi này cũng sẽ làm được. Lúc này công tác chấn chỉnh, kiểm soát càng trở nên phức tạp hơn, đi kèm với lòng tin của cộng đồng sẽ bị suy giảm rất đáng báo động bởi BOT “tâm linh” đã, đang và sẽ có mặt khắp nơi.

– Sưu tầm – 

Trả lời