Bộ môn thiền hiện không nên chỉ được coi là thứ “có cũng được chả có cũng không sao” mà nên trở thành thứ “cần phải có” của những doanh nhân và nhà lãnh đạo.
Thế giới sôi động ngày nay có vẻ không phù hợp với bộ môn thiền. Tuy nhiên, trạng thái xuất thần khi thiền đã được khoa học chứng minh rằng có thể tác động tích cực đến bộ não và đây là điều mà bất kì doanh nhân hay nhà lãnh đạo nào cũng nên biết.
Một nghiên cứu đã được thực hiện vào năm 2011 với một chương trình thiền trong 8 tuần. Theo quan sát của các chuyên gia, nhóm người tham gia nghiên cứu đã có sự tăng trưởng đáng kể chất xám trong bộ não.
Kể từ đó, nhiều phòng nghiên cứu về thần kinh trên thế giới đã có phân tích về ảnh hưởng của sự vô ngã, có thể đạt được thông qua thiền, đối với não người.
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học British Columbia và Đại học Công nghệ Chemnitz đã kết hợp dữ liệu từ hơn 20 nghiên cứu để xác định được ít nhất 8 vùng não bộ chịu ảnh hưởng khi thiền. Trong đó, nhiều doanh nhân có thể sẽ quan tâm đến 2 vùng não bộ chịu ảnh hưởng khi thiền.
Đầu tiên là thùy trước của vỏ não (ACC), đằng sau thùy trán của não. ACC gắn liền với khả năng tự điều chỉnh hành vi và định hướng tập trung, kiềm chế những phản ứng không phù hợp của cơ thể và thay đổi chúng một cách linh hoạt.
Những người bị tổn hại vùng ACC thường hấp tấp và dễ gây hấn. Những người có sự kết hợp hoạt động kém giữa ACC với các vùng khác của não thường có kết quả không cao cho các bài kiểm tra về kiểm soát tâm trí. Thông thường, những người này luôn mắc kẹt trong những chiến lược không hiệu quả khi giải quyết vấn đề thay vì sử dụng chính những gì mình đang có.
Trái ngược lại, những người tham gia thiền có biểu hiện vượt trội trong các bài kiểm tra về kiểm soát tâm trí, ít khi bị phân tâm hơn và thường đưa ra nhiều câu trả lời chính xác hơn. Hơn nữa, những người tham gia thiền cho thấy hoạt động của vùng ACC nhiều hơn so với những người không thiền.
Ngoài việc điều chỉnh các phản ứng của bản thân, ACC còn hỗ trợ trong quá trình học hỏi kinh nghiệm quá khứ của bộ não để đưa ra các quyết định tối ưu khi giải quyết vấn đề.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng vùng ACC có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với bộ não khi ra quyết định trong những tình huống không chắc chắn hoặc môi trường có sự thay đổi nhanh chóng.
Nguồn: Tang et al.
Nguồn: Fox et al.
Vùng não thứ 2 khá thú vị là vùng hồi hải mã. Đây là một vùng của bộ não có sự tăng mạnh chất xám trong chương trình thí nghiệm năm 2011.
Khu vực này nằm sâu bên trong thùy thái dương của não và là một phần của hệ thống Limbic, một cấu trúc liên quan đến cảm xúc và trí nhớ. Vùng hồi hải mã nằm sâu trong hoppj sọ tại mỗi bên của bán cầu não và thuộc Hệ viền (Limbic system), một cấu trúc điều khiển cảm xúc và trí nhớ.
Khu vực này có phản ứng với hormone Cortisol gây ra bởi sự căng thẳng và các nghiên cứu cho thấy vùng hồi hải mã có thể chịu tổn thương khi cơ thể chịu stress trong thời gian dài, qua đó gây ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể.
Thông thường, những người bị bệnh stress nặng, bị trầm cảm hay bị bệnh rối loạn cảm xúc (PTSD) có vùng hồi hải mã nhỏ hơn so với bình thường. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vùng hồi hải mã với cơ thể, đặc biệt môi trường cạnh tranh cao như hiện nay.
Nguồn: Hölzel et al.
Những kết quả nghiên cứu trên mới chỉ là thành quả ban đầu bởi các chuyên gia thần kinh cho rằng ngồi thiền thậm chí có thể ảnh hưởng đến những vùng não bộ liên quan đến nhận thức, khả năng chịu đau, mức độ tư duy phức tạp và cảm nhận về bản thân cơ thể.
Tuy nhiên, những nhận định này cần thêm các nghiên cứu cũng như thời gian để phân tích cơ chế hoạt động của chúng. Mặc dù vậy, những kết quả trên cũng đã thu hút được nhiều sự chú ý của mọi người.
Vì vậy, ngồi thiền hiện không nên chỉ được coi là thứ “có cũng được chả có cũng không sao” của những doanh nhân và nhà lãnh đạo. Bộ môn thiền nên, hay thậm chí phải là điều cần thiết cho các doanh nhân trong việc giữ gìn sức khỏe cho não bộ, hỗ trợ khả năng phản ứng của bản thân, tăng cường hiệu quả khi ra quyết định và giúp hạn chế stress.
Ngồi thiền có thể được kết hợp với đời sống tâm linh hay tôn giáo, hoặc thực hành dưới dạng một bộ môn rèn luyện sức khỏe trong thời gian dài.
Rõ ràng, khi mọi người ngồi xuống, hít thở và làm trống tâm trí, đặc biệt là khi cùng làm chung với nhiều người, trí não và cơ thể của chúng ta có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
-Sưu tầm-