Lợi ích của việc phóng sinh

Lợi ích của việc phóng sinh

(PGVN)

Phóng sanh nghĩa là giải phóng các khổ nạn của sự sắp chết đối với tất cả chúng sanh (loài nào có sự ham sống sợ chết, loài nào cần có sự sinh tồn). Vì lòng từ bi của Phật, không nỡ nhẫn tâm thấy chết mà không cứu.

Về việc phóng sanh như trong “Quy ngươn trực chỉ” giải thích rằng súc sanh có hai giống loại:
1. Quyết định sát
Như: heo, bò, gà, vịt, trâu, dê… Vì loài này duyên do tiền kiếp của chúng quyết định không tin nhân quả, ưa thích làm điều giết hại, không có lòng sám hối, nay phải chịu cái quả “Quyết định sát” không thể nào thoát khỏi cái thân bị bầm chặt, nấu nướng. Dù rằng gặp người có tâm muốn cứu, cứu cũng không được.
2. Bất định sát
Như: lươn, lịch, chim, cá, sò, ốc, rùa, trạnh… Những loài này duyên do tiền kiếp, tuy có làm các ác nghiệp, nhưng việc làm vì bất đắc dĩ, hoặc khi làm ác xong, nhớ lại biết ăn năn cải hối. Thế nên đời nay phải làm súc sanh để thọ cái quả “Bất định sát”, tuy chúng sắp chết nếu gặp được người từ tâm, chúng sẽ được cứu sống lại.

Bởi thế, mà thường khi làm việc phóng sanh, người phật tử mua loài Bất định sát mà phóng thích. Việc này cũng tốt. Tuy nhiên, nếu thật sự thể hiện lòng từ bi thì nhìn thấy tất cả sinh vật nào gặp nạn khổ não và chết chóc; người đệ tử Phật đều phải trải lòng từ cứu giúp. Biết rằng như trên đã nói loài Bất định sát thì phóng thích. Còn loài Quyết định sát thì ta tha hồ cắt cổ, mổ bụng, bầm, kho, xào nấu ăn cho thỏa thích, vì chúng ngươi là loài Quyết định sát. Không nên có ý niệm và hành động một cách lầm lẫn như vậy.
Như trên đã nói phóng sanh là giải phóng mọi khổ nạn cho chúng sanh. Chúng sanh thì gồm: Noãn, Thai, Thấp, Hóa, tất cả đều có một sự sống như nhau, người phật tử phải thương xót và ra tay cứu giúp tất cả. Thường làm lễ phóng sanh, Quý thầy và phật tử Tuyên Pháp ngữ, chú nguyện trước khi phóng sanh, trong Pháp ngữ có câu: “nguyện cho chúng ngươi sớm đắc phục nhân thân qui đầu Phật Pháp” nghĩa là sớm trở lại thân người mà qui hướng Phật Pháp.

Trong kinh dạy các loài chim, rùa, lươn, cá v.v… tội báo rất nặng nề, vĩnh kiếp khó trở lại nhân thân (thân người) nếu như may mắn gặp được thiện tri thức, mỗi kiếp đươc kết duyên lành, thì họa may 15 tiểu kiếp sau mới làm được thân người. (Mỗi tiểu kiếp 10.000 năm x 15 = 150.000 năm, nhưng tuổi thọ của lươn, cá, ốc, sò… thấp hơn tuổi thọ loài người. Vậy nghêu, sò, ốc, hến… phải chết đi sống lại bao nhiêu lần so với 15 tiểu kiếp? Quá lâu ! Quá lâu!).

 
Điều thực tế nhất
Nên phóng sanh ngay con người, vì họ đã làm được thân người; Nhưng quả báo nghèo cùng, khốn khó của họ do nghiệp tạo tác đời trước. Là phật tử ta nên giải phóng cho họ khỏi cơn hoạn nạn lầm than. Sau đó mình đem giáo pháp cho họ, chắc chắn họ qui hướng về Phật Pháp ngay.
 
Điều sai lầm nhất
Là con người với con người lại đành lòng cạo sát xương hom, gọt sát da lưng, phỉnh phờ, lừa bịp, nẻ sát vỏ, để lấy được tiền sau đó đi mua cá, cua, rùa, trạnh phóng sanh, cầu cho chúng nó sớm trở lại nhân thân, để chúng ta tiếp tục cạo gọt tận xương tủy nữa à?
Trên đây là quá trình sai lầm, quá bậy bạ! Thiếu thực tế, mà vô tình tỏ ra khoe khoang “Ta là người từ bi biết tu phước phóng sanh” rủ ren chung hùng phóng sanh có phước lắm! Tuổi thọ tăng cao lắm! Suốt đời không quả báo bệnh tật v.v…và  v.v…
Tóm lại
Để thể hiện tâm từ bi của Bồ Tát hạnh, đối với tất cả chúng sanh, nên thương xót và cứu khổ, không riêng về súc vật “Nải chí quyên phi. Xuẩn động vi tế côn trùng….” tất cả đều tôn trọng sự sống. Coi sự sống của chúng sinh là sự sống của chính mình. Đấy chính là tâm quảng đại từ bi của người đệ tử Phật.
– Nghi thức phóng sanh hãy xem trong “Bộ Nhật Tụng” mà áp dụng.
– Muốn lợi lạc cho chúng sinh và hồi hướng cho chúng nó sớm thành tựu nhân thân qui đầu Phật Pháp, nên tâm niệm câu chú Trí cự lai tâm: “ Nẳng mồ A sái tra tất để nẩm, tam ma dã tam mẫu đà cố trí nẩm, Án cấn nghiết nẳng phạ bà, tất đề lỵ đề lỵ hồng”.
Thần chú này do Đức Trí Cự Như Lai nói ra, nếu các loài chúng sanh nào nghe qua hoặc nhờ thần lực của người chú nguyên qua cho giống loài đó, thì giống loài đó trễ lắm một tiểu kiếp sẽ đắc phục nhân thân tâm Bồ Tát không thối chuyển.
Vậy nên dùng chú này qua tai và mắt quán sát những loài động vật mà gia tâm trì chú để hồi hướng. Như thế, công đức vô lượng vô biên, lợi lạc cho muôn loài, tâm từ bi mỗi lúc mỗi tăng trưởng, hơn cả việc xuất tiền mua súc vật phóng sanh.
 
Thích Nhật Quang
(Chùa Long Phước, Lấp Vò, Đồng Tháp)

Trả lời