Lợi Ích Của Việc Tu Thiền Là Gì?

Đề tài chúng tôi nói hôm nay là Lợi ích của sự tu thiền, song chỉ nói hạn chế trong một phần thiết yếu thôi.

Trước khi nói về lợi ích của sự tu thiền, chúng tôi xác nhận lại rõ ràng tu thiền ở đây là tu theo phương pháp của đạo Phật, chớ không phải thiền của các môn phái khác. Nếu chúng ta hiểu rõ và ứng dụng đúng cách, sẽ có những lợi ích như thế nào, đó là chỗ chúng tôi muốn trình bày.

Nói đến lợi ích của tu thiền nghĩa là nói đến lợi ích của đạo Phật. Bởi vì mục đích của đạo Phật là lấy giác ngộ giải thoát làm nền tảng. Các lợi ích khác nếu có chỉ là phần phụ, chớ không phải gốc. Nếu chúng ta tu thiền theo đạo Phật thì phải thấy rõ làm sao đi đến chỗ cứu kính giác ngộ được đạo, thấy rõ chân lý của kiếp người, của chúng sanh. Đồng thời, ta làm chủ được mọi sự trói buộc mọi sự lôi kéo để thành con người tự do giải thoát. Đó là mục đích của đạo Phật.

Trong phần lợi ích phụ, trước tôi nói lợi ích về thân. Tất cả những vị đã có ý chí tu hành, đều biết càng tu càng được sáng suốt, chớ không thể trở thành người bạc nhược yếu đuối, mờ mịt tối tăm. Thế nên người tu Phật thường tránh những thái độ cực đoan, mà phải giữ trung đạo.

Như Thái tử Tất-đạt-đa khi mới đi tu, Ngài học hỏi với những triết gia hay các vị tu tiên, nhưng không thỏa mãn được mục tiêu, bản hoài của mình đã ôm ấp. Vì vậy Ngài tìm đường tu riêng. Trong sử kể Ngài tu khổ hạnh mấy năm liền, đến nỗi thân thể chỉ còn da bọc xương, cuối cùng đi đến ngất xỉu bất tỉnh. Từ đó Ngài mới biết phương pháp khổ hạnh không đem lại giác ngộ và giải thoát sanh tử, nên Ngài từ bỏ khổ hạnh. Sau này, Ngài ăn ngày một bữa và sống bình thường, chỉ cốt tọa thiền sao cho tâm được định, nhờ thế mới đi tới giác ngộ. Vì vậy Ngài dạy người học Phật phải tránh hai thái độ cực đoan: Một là khổ hạnh, hai là hành lạc. Hành lạc nói theo thế gian là trác táng. Khổ hạnh và hành lạc là hai thứ bệnh mà người tu Phật không nên có.

Một số người tu Phật có vẻ kỳ bí thì chúng ta nên xét lại, thật ra họ chỉ mượn tên đạo Phật thôi, chớ không tu đúng tôn chỉ Phật dạy. Thí dụ những vị tu không ăn cơm, chỉ ăn rau hoặc các loại khoai củ, cho đó là tu hay. Có người tu Phật lại tịnh khẩu, không nói chuyện. Nhưng với đạo Phật điều đó không quan trọng. Người tu Phật rất bình dị, biết điều hòa tiết dục để đầy đủ sức khỏe, cuộc sống an ổn bình thường. Không phải tu Phật là không ăn cơm, là tịnh khẩu v.v… những việc ấy không phải gốc của đạo Phật. Do đó người biết tu Phật hay biết tu thiền, điều kiện đầu tiên là sống điều độ, biết tiết dục. Điều độ là trong cuộc sống ăn, nghỉ chừng mực điều độ, đối với các dục lạc phải hạn chế, không buông lung trác táng. Nhờ thế cuộc sống được tốt đẹp. Đó là lợi ích đầu tiên của người tu thiền. 

Thứ hai là lợi ích của việc ngồi thiền. Người biết ngồi thiền đúng phương pháp sẽ chống được thời tiết thay đổi bất thường, ít bị các bệnh ngoại cảm. Tại sao? Nếu ai có thực tập ngồi thiền sẽ thấy, chúng ta đang hơi cảm, bị lạnh, muốn sổ mũi v.v… nhưng khi bắt chân lên tọa thiền từ một giờ trở lên, chúng ta thấy người ấm lại. Tất cả những triệu chứng ngoại cảm xâm chiếm từ từ tan dần. Đó là một lẽ thật. Ngày xưa, khoảng năm 1970 tôi ở trên núi Vũng Tàu, mỗi khi thời tiết thay đổi, tôi ngồi thiền thì không bị cảm. Từ đó tôi mới thấy mình tu không phải để trị bệnh, không phải để sống dai, nhưng chính nhờ tọa thiền nên bệnh được giảm và mình sẽ không bị thời tiết làm bệnh tật. Đó là lợi ích thiết thực của sự tu, giúp cho chúng ta khỏi tổn sức khỏe, khỏi tốn hao tiền bạc thuốc men.

Thưa thật năm 1961, tôi bị bệnh phổi phải vào bệnh viện điều trị. Bệnh này khi thời tiết thay đổi dễ bị cảm lắm, mỗi lần cảm là ho. Nhờ tôi lên núi tu thiền nên không có bệnh cảm. Vì bệnh cảm không có nên bệnh phổi từ đó về sau cũng không tái phát, mặc dù chúng tôi vẫn giảng dạy đều đặn như thường. Rõ ràng sức tu giúp cho mình tăng thêm sức khỏe.

Khi bệnh phải siêng tu, phải vui lên mới mau hết bệnh. Bệnh mà buồn thì con người sẽ thấy yếu đuối dã dượi, nên ưa nằm. Càng nằm lại càng bệnh, cứ thế sức khỏe suy kiệt dần, bệnh từ nhẹ bước sang nặng. Còn vui thì bệnh có nặng cũng thấy nhẹ. Như khi ta đang bệnh nằm, giả sử có người bạn chí thiết đã lâu không gặp, bỗng dưng về thăm, mình mừng quá nói chuyện một hồi quên đau luôn. Để thấy ta vui lên thì những bệnh nhỏ nhỏ mất hết. Bởi vậy nên nội tâm, nếu bỏ được lo sợ, buồn rầu thì tự giảm được một phần lớn bệnh hoạn. Ngược lại cứ ôm ấp lo buồn, dù bác sĩ hay giỏi cách mấy trị bệnh thì cũng chưa chắc có hiệu nghiệm. Tóm lại về thân chúng ta sanh bệnh do hai lý do, một là thời tiết, hai là tâm lý bất ổn.

Bây giờ người tu thiền nhờ tọa thiền, có sức ấm đuổi tan được ngoại cảm, đó là chống được thời tiết. Buông xả tất cả các tâm niệm lo sợ buồn rầu, trong lòng thảnh thơi, bệnh cũng không xâm nhập được. Đó là chúng tôi nêu lên hai phần bệnh về thân.

Kế đến nói bệnh về tâm.

Thứ nhất là tâm tán loạn, bồng bột. Ở thế gian có nhiều người khi thích cái gì, hay bực bội điều gì trong tâm tán loạn, có những ý niệm rất sôi nổi bồng bột, không làm chủ được mình. Do đó họ có những tác động gây tai họa cho mình, cho người không thể lường được. Chúng ta tu thiền cốt làm sao lóng lặng được những tâm niệm tán loạn, bồng bột ấy. Vì vậy đối trên mặt tâm niệm, việc tu thiền có kết quả đầu tiên là dừng lặng bớt tâm tán loạn, tâm bồng bột. Đó là lợi ích thứ nhất về tâm.

Thứ hai, người biết tu thiền sẽ kềm chế được tham, sân và si. Thế gian không có khổ gì bằng nóng giận, đó là sân. Nhưng nóng giận không phải tự nó có, do ta mong muốn điều gì mà không được nên nổi sân. Vì vậy tu thiền, chúng ta sẽ kềm chế được nóng giận, tham lam, và nhất là dẹp được si mê.

Thứ ba, nhân tu thiền mà tâm chúng ta được an ổn, thanh tịnh. Đó là lợi ích lớn của người tu thiền.

Thứ tư, do tu thiền nên trí tuệ càng ngày càng sáng tiến lần tới giác ngộ. Đây chính là lợi ích lớn nhất của sự tu thiền.

Vì vậy các Thiền viện, Tăng Ni đều được thực tập tọa thiền, ứng dụng tu đúng với phương pháp Phật dạy để có lợi ích thiết thực. Tu thiền là phải ứng dụng, chớ không chỉ nói suông. Ở đây chúng tôi nói lý thuyết cho quí vị có một cái nhìn đúng đắn về tu thiền, chớ chưa đi vào thực tập, nên cũng chưa thấy kết quả cụ thể.

Có một lợi ích lớn nữa của việc tu thiền, đó là không sợ chết. Tất cả chúng ta ai cũng sợ chết. Chết là cái đáng sợ nhất, nên nó trở thành cái khổ nhất của con người. Người tu thiền, khi đã nhận hiểu được đạo lý, ứng dụng được phương pháp tu rồi, đối với sanh tử sẽ thế nào? Đây là điều hết sức quan trọng. Ở đây tôi xin dẫn một ít câu chuyện nhỏ về việc này.

Câu chuyện thứ nhất của một Thiền sư cư sĩ Trung Hoa là ông Bàng Long Uẩn. Ông là một nho sĩ đời Đường, nhưng lại nghiên cứu về Phật, nhất là thiền. Sau này ông ngộ đạo ở hai vị Thiền sư nổi tiếng là Mã Tổ Đạo Nhất và Thạch Đầu Hy Thiên. Ngộ đạo rồi, nhưng ông không xuất gia, vẫn tu trong hình thức cư sĩ. Ông có hai người con, một trai, một gái và người vợ. Với sự khéo léo giáo dục vợ, con đều biết tu như ông. Mỗi khi gia đình hội họp bàn luận đều đem chuyện đạo đức, tu hành mà nói, chớ không theo thế tục.

Khi gần tịch, ông biết trước nên chuẩn bị sẵn. Hôm đó, ông bảo người con gái là cô Linh Chiếu: Con ra ngoài xem mặt trời đúng ngọ, vô cho ba hay. Cô Linh Chiếu chạy ra nhìn mặt trời thấy đúng ngọ, nhưng biết trước ý định của cha nên cô đánh lừa, nói: Thưa ba, mặt trời đã đúng ngọ nhưng bị nguyệt thực, ba ra coi. Ông tưởng thật, bước ra ngoài xem. Lúc trở vô, ông thấy cô con gái đã lên ngựa giữa ngồi kiết già nhắm mắt tịch. Ông cười nói: Con gái ta lanh lợi quá, rồi ông lo mai táng cho con.

Sau đó ông báo tin cho bạn bè thân biết bảy hôm nữa ông sẽ tịch. Bảy hôm sau có người bạn thân tới ngồi bàn đạo, hồi lâu ông nói: Thôi tôi mỏi mệt, anh cho tôi nằm gá trên đầu gối nghỉ một chút. Nói xong, ông liền nằm xuống gá trên đầu gối người bạn, thở khì một cái rồi tịch luôn.

Người ta chạy báo tin cho bà vợ và người con trai hay. Bà vợ đang nấu cơm, người con trai đang cày ruộng. Khi được tin, bà chạy ra đồng cho người con trai hay: Con ơi, con nhỏ ngu si và ông già vô tri đi rồi. Nghe thế, người con trai đứng tại chỗ tịch luôn. Bà Long Uẩn bèn nói: Cái thằng ngu si này cũng đi nữa. Lo mai táng xong xuôi hết cả nhà, bà từ giã làng xóm lên núi tịch luôn. Cả một gia đình muốn sống là sống, muốn chết là chết, tự tại. Nên có một bài sám viết “In như thiền định họ Bàng thuở xưa” là vậy.

Đó là vị cư sĩ ở Trung Hoa, ở Việt Nam ta có ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi sắp tịch, Ngài bảo đặt một cái giường tại Dưỡng Chân Trang nơi nhà giữa, Ngài ra đó nằm rồi nhắm mắt tịch. Mấy bà thê thiếp hay được, chạy ra khóc rống lên. Ngài ngồi dậy bảo đem nước cho Ngài súc miệng rửa mặt, rồi quở: Chết sống là lẽ thường nhiên, tại sao làm náo động chân tánh ta? Quở xong, Ngài nằm xuống nhắm mắt tịch. Như vậy cư sĩ Trung Hoa, cư sĩ Việt Nam tu hành vẫn tự tại như thường, chớ không luận là người xuất gia.

Nhiều người cho rằng thời văn minh này khó tu. Tại sao khó tu? Vì ngoài việc làm ở sở về, còn bao nhiêu thì giờ bị ti-vi chiếm hết rồi, xem ti vi xong là lăn ra ngủ, đâu có nhớ tới tu. Cứ như vậy ngày qua ngày không có thời gian rảnh rỗi. Gần đây báo chí cho biết hiện nay tình trạng tự tử của người Tây phương có thể nhiều hơn người Á đông. Tại sao? Không phải vì nghèo đói tự tử, mà vì dư thừa quá nên tự tử! Tại sao vậy? Bởi vì khi chưa có ăn thì lo cho có ăn. Nhưng khi ăn mặc thừa rồi thì lại thấy cuộc đời sao vô vị quá, không có gì cao siêu, tự nhiên thấy chán nên không muốn sống nữa. Khi khoa học tiến cao tiến nhanh lại là lúc con người ta thấy hụt hẫng, thiếu một cái gì hết sức cần thiết trong cuộc sống. Thật lạ lùng!

Ở đây đạo Phật quay lại chính mình, giải quyết vấn đề con người, làm sao hiểu được mình là cái gì? Đó là trọng tâm của đạo Phật. Như vậy đạo Phật giúp con người giải quyết được khi bị mất mình, khi thấy cuộc sống vô vị. Nếu biết trở lại mình có cái chân thật rồi thì không còn chán nản cuộc đời vô vị nữa. Như vậy chính đạo Phật đem lại sự quân bình cho con người trong thời đại khoa học kỹ thuật cực tiến này.

Hôm nay chúng tôi nói sơ lược một số lợi ích của người tu theo đạo Phật, nhất là tu thiền cho tất cả quí Phật tử thấy rõ mục đích của đạo Phật. Qua đó, chúng ta biết thế nào là lợi ích chánh, thế nào là những hiệu năng phụ của việc tu thiền. Nhờ thế mới không lầm lẫn khi áp dụng tu tập, đồng thời biết được kết quả thiết thực của việc tu Phật.

Nguồn: Thiền viện Thường Chiếu

Trả lời