Quy Y Cho…Rừng

Rừng là lá phổi của thế giới. Hấp thu khí CO2 và phóng thích khí oxy vào không khí, cây xanh giúp kiểm soát sự phóng thải khí CO2 và duy trì sự sống của hành tinh. Ngoài ra, rừng là nơi trú ngụ của vô số các loài động vật, chim chóc, côn trùng và thực vật; đặc biệt là các loài thảo dược quý.

Ở vùng nhiệt đới, rừng là tấm chăn mát che chắn sức nóng của ngày. Hàng thế kỷ qua, rừng cũng là nơi ẩn tu của nhiều tu sĩ Phật giáo – trong một số truyền thống Phật giáo, giúp các nhà sư tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn, trí tuệ và tiến đến mục tiêu giải thoát, chứng đạt Niết-bàn.

Tuy nhiên, nhiều mảng rừng trên khắp thế giới đang bị đe dọa vì sự phát triển của dân số, nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp, kết nối giao thông… Hầu như ở mọi châu lục, cây rừng đều bị đốn hạ ở mức đáng báo động. Do vậy, bảo vệ rừng có thể được xem là trách nhiệm của mỗi cá nhân sống trên hành tinh này. Và các tu sĩ Phật giáo nhiều nơi trên thế giới cũng dấn thân vào việc bảo vệ rừng, bằng nhiều cách thiết thực và hiệu quả cho sự tồn tại và phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững của môi sinh.

Campuchia: Bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng

Theo thống kê của Tổ chức Nhân quyền Licadho, diện tích rừng rậm của đất nước này giảm đến 14,4% chỉ trong 10 năm. Và hơn 12% cây rừng đã bị đốn hạ ở những cánh rừng được bảo vệ. Hãng thông tấn DW của Đức năm 2017 đã ghi nhận lại câu chuyện bảo vệ rừng của các nhà sư Campuchia trước sự đe dọa sinh thái này.

Các nhà sư tiến hành nghi thức quy y cho cây để bảo vệ rừng

Người đứng đầu phong trào này là sư But Buntenh, chia sẻ: “Không ai bảo tôi nên đến đó để bảo vệ rừng nhưng với tôi, đây là điều hợp lý cần làm. Tôi làm hết khả năng để bảo vệ rừng. Trồng cây mới, giúp đỡ người sống lân cận khu vực rừng, nhắc nhở chính phủ về những lời hứa bảo vệ rừng”.

Nơi đây, bảo vệ rừng được xem là một trong những trách nhiệm của người tu sĩ, “Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho xã hội này trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng tôi là biểu tượng của lòng từ bi. Chùa chiền chính là cội rễ của tri thức”, một nhà sư khác trong nhóm bảo vệ nói thêm.

Các nhà sư tổ chức các buổi huấn luyện, hướng dẫn cho người dân địa phương cách sử dụng truyền thông xã hội, bảo vệ rừng lân cận nơi họ sinh sống, giúp người dân được nhận thức đầy đủ về việc đốn cây rừng bất hợp pháp để nâng cao ý thức bảo vệ rừng nơi họ. Các đoạn phim ngắn, các hình ảnh và bài viết có liên quan được các thành viên đăng tải lên mạng xã hội để tạo sự lan tỏa nhiều hơn đến cộng đồng.

Dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng các nhà sư vẫn kiên trì với hoạt động này.

Thái Lan: Quy y cho cây để bảo vệ cây

Đó là công việc của sư Phrakru Pitak Nanthakthun, trụ trì chùa Arunyawas ở Đông bắc Thái Lan thực hiện trong 25 năm qua. Sư tiến hành nghi thức quy y cho cây với hy vọng rằng sẽ chấm dứt được nạn phá rừng và tiến triển xấu dần của bầu không khí.

“Khi bạn quy y cho cây, cây sẽ trở nên linh thiêng và không ai muốn hủy diệt cây đã được quy y”, chia sẻ của nhà sư với tờ BBC. Các vị sư và người dân làng cột các dải y màu cam quanh cây cho các cây trong vùng. Người dân được khuyến khích tôn trọng các cây đã được quy y như khi họ nhìn thấy các dải y thiêng liêng của một vị sư.

Khi người dân nhìn thấy các cây được quy y, họ biết rằng cả khu rừng đã được ban phước lành.

Tác giả Susan M. Darlington trong một bài báo năm 1998 của mình với tựa đề Quy y cho cây: Phong trào sinh thái Phật giáo tại Thái Lan đã viết rằng, Phật tử đã tham gia hành động để bảo vệ môi trường “tôn giáo trở nên thiết thực như các hướng dẫn đạo đức trong bảo vệ sinh thái”.

Mô hình này của các nhà sư đất nước Chùa Vàng đã lan tỏa đến các nước khác như Lào, Myanmar và Sri Lanka. Và những người tiên phong tin tưởng rằng đây chính là hành động hiệu quả, có tác động lớn đến việc bảo vệ môi trường. “Và nếu mỗi người trên toàn thế giới này đều chung tay cứu rừng, con người có thể cùng nhau khắc phục sự nóng lên toàn cầu, giải quyết được nạn đói và thiếu thực phẩm ở nhiều nơi”, nhà sư hy vọng.

Ngoài ra, câu chuyện Quốc vương Bhutan Khesar Namgyel Wangchuck đã trồng 108.000 cây xanh để đón mừng sự ra đời của hoàng tử (năm 2016) đã để lại nhiều ấn tượng đẹp, sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng thế giới thông điệp về sự thân thiện, tôn trọng, bảo vệ và sống nhu hòa với thiên nhiên, môi trường của đất nước Phật giáo này và các nền văn hóa Phật giáo khác trên thế giới.


Một hình ảnh mang tinh thần Bhutan: Quốc vương cùng chư Tăng chung tay trồng cây, tạo dựng và giữ gìn môi trường sinh thái
Bhutan vốn nổi tiếng là một quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia (đo chất lượng cuộc sống của người dân). Chính sách phát triển của quốc gia này lấy trọng tâm là sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sống. Theo luật Bhutan, 60% diện tích đất nước phải được phủ xanh. Hiện nay cả đất nước này có đến 75% diện tích được phủ cây xanh.
Năm 2015, 100 người Bhutan đã tự nguyện tham gia thiết lập kỷ lục Guinness thế giới, trồng 49.672 cây xanh trong một giờ đồng hồ.
-Sưu tầm-

Trả lời