THIỀN – TT Thích Chân Quang – Phần 2

(Tiếp phần 1) 

CÁC GIAI ĐOẠN CHÍNH

ĐIỀU THÂN

Giai đoạn này thường kéo dài, càng điều thân kĩ chừng nào thì càng có thể tiến sâu trên con đường thiền định.

GIỮ ĐÚNG TƯ THẾ

· Hai bàn tay: để ngửa và đặt chồng lên nhau, nằm trên hai gót chân. Bàn tay trái để trên lòng bàn tay phải, đầu hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau. Giữ bàn tay thẳng đẹp, đừng để bàn tay cong vòng.
· Mắt: mở rõ và nhìn xuống một điểm gần trước mặt. Giai đoạn mới tập tu tuyệt đối không được nhắm mắt, vì phải mở mắt mới thấy thân mình có lắc động, có nghiêm hay không khi so sánh với cảnh vật chung quanh. Đến chừng nào thành tựu chánh niệm tỉnh giác, dù nhắm mắt mà vẫn không bị mê mờ thì mới nên nhắm mắt.
· Lưỡi: Để lên nướu răng hàm trên.
· Miệng: Ngậm kín tự nhiên.
· Lưng: giữ thẳng, không được để lưng cong chùng xuống, cũng đừng ưỡn lưng thẳng quá sức sẽ làm mau mệt và đầu bị căng (căng thần kinh não).
· Hai vai: để xuôi xuống tự nhiên, tránh nghiêng bên cao bên thấp.
· Hai cánh tay: Phải hơi khuỳnh ra xa hông. Nhớ giữ đừng để hai cánh tay buông xuôi ép sát vào hông.
· Đầu: không ngẩng lên, có vẻ hơi cúi xuống một chút xíu. Đừng để nghiêng qua một bên, hay quay qua một bên.

BIẾT TOÀN THÂN

Tâm luôn quay vào kiểm soát biết rõ toàn thân, biết từ đầu cho đến tay chân. Xem lưng có chùng xuống hay không; hai vai có bị lệch, đầu có bị nghiêng không; hai bàn tay có thẳng đẹp, hai cánh tay có bị ép sát hông không; mắt có nhìn chỗ khác, người có chồm về phía trước hay ngửa ra sau không. Luôn luôn tỉnh giác biết rõ toàn thân, buông lỏng toàn thân. Cơ thể mình bị sai lệch như thế nào thì phải biết rõ và điều chỉnh lại để luôn giữ đúng tư thế.

GIỮ THÂN MỀM MẠI BẤT ĐỘNG

Song song với việc biết rõ toàn thân, ta nhẹ nhàng buông lỏng toàn thân, giữ thân mềm mại bất động, không nhúc nhích, không gồng cứng.
Luôn kiểm tra xem có bộ phận nào bị gồng cứng hay nhúc nhích không, toàn thân có được mềm mại, bất động chưa.
Từng bắp thịt, ngón tay, ngón chân, bắp đùi, bắp vế bắp tay đều được giữ yên không cử động. Ta phải luôn kiểm soát toàn thân, vì sau khi ngồi yên một chút sẽ có những thớ thịt, ngón tay, vai, gáy,… tự nhiên gồng cứng lên, phải nhận ra và nhanh chóng thả lỏng lại.
Kiểm tra thường xuyên như thế chính là công phu điều thân.

Lưu ý:
· Khi biết rõ toàn thân, nên biết nhiều ở vùng bụng và vùng chân. Phải biết một cách nhẹ nhàng, không chú ý biết, cũng không được dằn ép. Vì khi có sự chú ý biết hoặc dằn ép thì lực sẽ chạy lên đầu làm cho bộ não căng thẳng.
· Cũng không được biết một cách mờ mờ ảo ảo. Nếu không tỉnh giác biết rõ toàn thân thì vọng tưởng vẩn vơ khởi lên, ta sẽ không thấy nên dễ đưa vào hôn trầm.
· Khi vọng tưởng khởi lên, không cần diệt trừ vọng tưởng, chỉ cần quay trở lại biết rõ toàn thân, kiểm tra tất cả toàn bộ cơ thể là vọng tưởng sẽ tan.
· Nếu vọng tưởng khởi lên, ta quay trở lại biết rõ toàn thân mà vọng tưởng vẫn không tắt, thì biết đó là nghiệp, phải thầm tác ý sám hối. Khi tâm yên, ta tiếp tục kiểm soát biết rõ toàn thân.

QUÁN THÂN VÔ THƯỜNG, HƯ ẢO

Ngồi yên theo dõi thân chừng vài phút, ta tự nhủ thầm “thân này là vô thường hư ảo”. Lâu lâu lại tự nhắc như vậy. Ta phải thấy sự biến đổi của thân từ trẻ đến già, từ già đến chết, từ chết đến tan hoại hoàn toàn. Đức Phật dạy, khi quán thân vô thường ta phải chiêm nghiệm vô thương thật kĩ cho đến nơi đến chốn, không được cạn cợt. Phải chiêm nghiệm thân này (không được quán thân người khác) một ngày nào đó sẽ tan hoại.
Sau khi chết khoảng ba ngày, thân này sẽ sình trương. Qua mười ngày bốc mùi hôi thối và đầy dòi bọ. Một tháng sau, các lớp thịt bên ngoài và các cơ quan nội tạng bị phân hủy. Công trùng, chim thú,… đến rút rỉa, hình dáng không còn nguyên vẹn nữa. Còn lại xương khớp thì từ từ cũng rời rạc ra vì do tác động của mưa nắng, không khí… những khớp xương cũng mục dần và tan thành tro bụi, gió thổi cuốn đi.
(Chúng ta phải thực hành quá thân vô thường kỹ lưỡng vài tháng trước khi thêm quán hơi thở).

QUÁN TÂM VÔ NGÃ, HƯ VỌNG

· Bước đầu tiên điều thân cho đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động và quán thân vô thường. Tùy nhân duyên mà có người tu 2, 3 tháng, nhưng có người phải nửa năm hay một năm mới thuần thục. Tiếp theo là phương pháp quán tâm hư vọng.
· Đến đây, người tu biết rằng mọi ý niệm vọng động của thiện ác đều là không thật hư ảo nên buông bỏ, tắt dừng và tâm sẽ yên tĩnh trong sáng.
· Người có công phu tu tập nhiều năm nhưng không quán tâm hư vọng vẫn dễ trở thành bướng bỉnh, chấp ý, bảo thủ mà không biết.
· Phải thận trọng với tà kiến phát sinh ở pháp quán này như có chủ trương cho rằng : “Thiện ác đều là vọng tâm cần buông bỏ, nên không làm ác và cũng không làm thiện.”
· Phật dạy :
o Dứt bỏ ‘bất thiện pháp’ tức là những tâm niệm ác độc, ích kỷ, đố kỵ, mưu toan.v.v…
o Siêng làm tất cả những điều thiện.
o Đồng thời với tu tập thanh lọc nội tâm.
· Hễ làm đúng yếu chỉ này thì khi vào định, tâm hành giả thanh tịnh yên lặng, nhưng bản chất luôn là thuần thiện chứ không phải trơ trơ không thiện không ác.
· Đến đây người tu rất trầm tĩnh, nhẹ nhàng thanh thản nhưng tràn đầy tình thương, bao dung độ lượng và trí tuệ cực kỳ sắc bén linh mẫn. Trạng thái này khác xa với người có ý niệm thiện thương người nhưng tâm còn lăng xăng vọng động, nên phiền não chấp công vẫn còn sinh khởi.
· Người bản tâm thanh tịnh thuần thiện cũng khác xa với người không làm thiện không làm ác. Ở người này bản chất ích kỷ, hẹp hòi thụ động, kiêu ngạo, lạnh lùng, vô trách nhiệm, khiến cho phước lực tiêu mòn, đạo tâm thoái thất bởi chấp vào tà kiến.

ĐIỀU HƠI THỞ

Sau khi điều thân thuần thục, quán thân vô thường nhuần nhuyễn, ta bắt đầu thực hiện pháp tu hơi thở.
Ta biết rõ hơi thở mà không hề can thiệp, không hề điều khiển.
· Bước 1:
o Hơi thở vào, ta biết rõ hơi thở vào.
o Hơi thở ra, ta biết rõ hơi thở ra.

· Bước 2:
o Hơi thở vào dài, ta biết rõ hơi thở vào dài.
o Hơi thở ra dài, ta biết rõ hơi thở ra dài.
o Hơi thở vào ngắn, ta biết rõ hơi thở vào ngắn.
o Hơi thở ra ngắn, ta biết rõ hơi thở ra ngắn.

Tức là hơi thở dài hay ngắn, ta đều biết rõ. Nhưng điều quan trọng ở đây là biết rõ mà không can thiệp vào, không điều hơi thở dài hay ngắn theo ý mình. Chỉ đơn giản biết mà thôi. Có khi hơi thở dài, có khi hơi thở ngắn, có khi hơi thở nhẹ, có khi hơi thở mạnh, nhưng ta chỉ biết chứ không được can thiệp.
Có hai cực đoan cần phải tránh về hơi thở
· Một là không biết rõ hơi thở
· Hai là biết mà can thiệp vào hơi thở
Trung đạo của pháp tu hơi thở chính là biết rõ một cách thụ động, không can thiệp, không điều khiển.

(Còn tiếp)

Trả lời