Các Vị Phật, Bồ Tát Thường Gặp Bạn Nên Biết (P2)

4. Bồ Tát Quán Thế Âm

Quán là quán sát, lắng nghe; Thế là thế gian; Âm là âm thanh. Bồ Tát Quán (Quan) Thế Âm là vị Bồ Tát quán sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để kịp thời cứu giúp họ thoát khổ. Tay phải Ngài cầm nhành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lồ để tưới mát chúng sanh. Có rất nhiều hình tượng Quán Thế Âm như: Quan Âm Lộ Thiên, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn,…

Lễ An Vị Tôn Tượng Quan Âm Thị Kính tại Vĩnh Long
Lễ An Vị Tôn Tượng Quan Âm Thị Kính tại Vĩnh Long

Quán Thế Âm Bồ Tát (tiếng phạn là Avalokitesvara) là một vị Bồ Tát thể hiện lòng từ bi của tất cả chư Phật. Người là một trong những vị Bồ Tát được tôn kính rộng rãi trong Phật Giáo Đại Thừa.

Tượng Bồ Tát Quan Âm ở chùa Linh Ứng
Tượng Bồ Tát Quan Âm ở chùa Linh Ứng

Quán Thế Âm Bồ Tát là Bồ tát tuyên trợ đắc lực của Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc, Người thể hiện lòng Bi, một trong hai dạng Phật tính. Vì vậy, danh hiệu của Người thường kèm theo từ Đại Bi. Ngài thương chúng sanh như mẹ thương con nên người ta thường tạc tượng Ngài mang hình dáng người nữ. Có nơi gọi Ngài là Mẹ Hiền Quán Thế Âm

Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn tại chùa Bút Tháp
Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn tại chùa Bút Tháp

5. Bồ Tát Đại Thế Chí

Đại Thế Chí Bồ Tát còn được gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát,… hay vắn tắt là Thế Chí.

Ngài là vị Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường.

Bồ Tát Đại Thế Chí tay cầm hoa sen và trên búi tóc có bảo bình
Bồ Tát Đại Thế Chí tay cầm hoa sen và trên búi tóc có bảo bình

Hình tượng của Đại Thế Chí Bồ Tát theo như ghi chép trong Quán Vô Lượng Thọ kinh: Tóc của ngài búi lại giống như hoa sen đỏ, trên búi tóc có bảo bình, bên trong bảo bình chứa đầy ánh sáng trí tuệ. Ngài dùng ánh sáng đó để độ hóa tất thảy chúng sinh. Ngoài ra, các tướng khác của ngài cũng không có sự khác biệt lớn so với Bồ Tát Quán Thế Âm.

Trong bức tranh vẽ “Tây Phương Tam Thánh”, Bồ Tát Ðại Thế Chí tay cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy.

 Bồ Tát Ðại Thế Chí tay cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà
Bồ Tát Ðại Thế Chí tay cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà

6. Địa Tạng Vương Bồ Tát

Địa Tạng có nghĩa là An Nhẫn, bất động như đại địa; tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật. Ngài thường được thờ trong Chánh Điện bên phải Đức Phật Thích Ca, hoặc gian thờ các vong linh.

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Địa Tạng là một vị Bồ-tát được tôn thờ trong Phật giáo Đông Á, thường được mô tả như một tỉ-khâu phương Đông. Địa Tạng Bồ-tát được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Niết-bàn cho đến khi Bồ-tát Di Lặc hạ sanh. Ngài nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng.

Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị Bồ-tát của chúng sanh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh. Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là Bồ-tát hộ mệnh cho trẻ em, cũng như bảo vệ các vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu.

Địa Tạng Vương Bồ Tát hộ mệnh cho trẻ em
Địa Tạng Vương Bồ Tát hộ mệnh cho trẻ em

Địa Tạng thường được mô tả là một tỉ-khâu trọc đầu với vầng hào quang. Một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục, tay kia cầm ngọc Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm.

Địa Tạng thường được mô tả là một tỉ-khâu trọc đầu, một tay cầm tích trượng, một tay cầm ngọc Như ý
Địa Tạng thường được mô tả là một tỉ-khâu trọc đầu, một tay cầm tích trượng, một tay cầm ngọc Như ý

(Còn tiếp)

Mời quý vị đạo hữu xem thêm các bài viết khác để có thể hiểu thêm về Phật pháp:

Trả lời