Giới thiệu các vị Phật, Bồ Tát, Hộ pháp – Phần 1: 5 vị Chư Phật

 

Shop Hoa Vô Ưu xin được giới thiệu một số thông tin về 5 vị Chư Phật:

  • Phật Kim Cương Trì – Vajradhara – Dorje Chang
  • Phật Bảo Sinh – Ratnasambhava
  • Phật A Di Đà – Amitabha – Amitayus
  • Phật Bất Động – A Súc Bệ – Akshobya Buddha
  • Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

1. Đức Phật Kim cương trì Vajradhara

Vajradhara nghĩa đen là bậc trì giữ kim cương. Đức Phật Kim Cương Trì Vajradhara là Đức Phật nguyên thủy, hiện thân của tất cả chư Phật trong ba đời và là tinh túy của tam thân – thân của chư Phật. Đức Phật Kim Cương Trì cũng biểu trưng cho Pháp thân Phật và khía cạnh tuyệt đối của sự giác ngộ.

Phật Vajradhara là sự biểu lộ cao nhất của giác ngộ, sự đại diện thấy được của Pháp thân. Nghĩa đen của “Vajra” là kim cương, nhất là trong phương diện cứng chắc không thể bể nát của nó. Trong nghĩa cao hơn, Vajra để chỉ bản tánh nội tại của giác ngộ – sự hợp nhất bất khả hoại và bất khả phân của trí huệ siêu việt và lòng bi vô hạn, cũng như lạc tối thượng và tánh không tối hậu.

Là sức mạnh vũ trụ tối cao khởi từ cõi giới Pháp thân, Vajradhara tượng trưng sức mạnh hợp nhất tối thượng và nguồn bi mở khắp. Trong Vajradhara mọi hình tướng Báo thân, mọi phẩm tính và công năng của chúng được thống nhất. Từ đó Vajradhara được diễn tả là sự thống nhiếp toàn khắp của mọi thuộc tính của giác ngộ.

Ngài là hiện thân của sự tinh túy siêu việt của Phật tính với tay phải trì giữ chày Kim cương (biểu thị phương tiện), tay trái của Ngài giữ linh (biểu hiện trí tuệ). Hai tay bắt chéo trước ngực, Kim cương trì là sự đại diện tuyệt đối của Bất nhị và tánh Không đó là Mahamudha (Đại ấn), sự hợp nhất vĩ đại – sự chứng thực tuyệt đối. Đây là mục đích tối thượng mà tất cả các hành giả đều tinh tiến nỗ lực vươn tới.

Trong Truyền thống Mới, Ngài là Đức Phật nguyên thuỷ, nguồn mạch của mọi tantra. Trong Truyền thống Cũ, Vajradhara tượng trưng cho nguyên lý của vị Thầy như bậc trì giữ giác ngộ của giáo lý Kim Cương Thừa.

Trong mật thừa, Đức Phật Kim Cương Trì là tâm điểm của dòng truyền thừa Kagyu bởi vì tổ của dòng là Đức Tilopa đón nhận trực tiếp giáo pháp Kim Cương Thừa từ Đức Kim Cương Trì, đức Báo thân Phật. Trong dòng Nyingma, Đức Kim Cương Trì được coi là bất khả phân với Đức Liên Hoa Sanh. Trong hiển thừa, ngài chính là vị cư sĩ vĩ đại Duy Ma Cật đã giúp Phật Thích Ca dạy dỗ các đại đệ tử và bồ tát 2500 năm trước.

2. Đức Phật Bảo Sinh (Bình đẳng tánh trí)

Ratnasambhava có nghĩa là “đản sinh từ bảo báu”, “ratna” trong tiếng Phạn có nghĩa là Bảo báu. Người ta tin rằng đức Phật Bảo Sinh chuyển hóa tính kiêu mạn của con người thành Bình đẳng tánh trí. Loại trí tuệ này đưa ra những đặc điểm chung về sự trải nghiệm cảm xúc của con người và giúp chúng ta thấu hiểu được nhân loại dưới hình tướng cả nam và nữ. Nó giúp chúng ta hiểu được dù bản thân là một cá thể nhưng về bản chất, chúng ta vốn luôn hợp nhất chặt chẽ, không tách rời với phần còn lại của nhân loại. Trong cảnh giới giác ngộ này, không một chúng sinh nào hơn hay kém chúng sinh khác, không có khoảng trống cho bản ngã trỗi dậy.

Đức Phật Bảo Sinh có khế ấn Verada. Khế ấn này biểu trưng cho sự bố thí và ban phát ân huệ. Trên thực tế, biểu tượng riêng của Ngài là viên ngọc Như Ý, liên quan đến sự thịnh vượng. Và đôi khi đức Phật Bảo Sinh được miêu tả là đức Phật Bố thí. Ngài không bao giờ phân biệt mà luôn bố thí cho tất cả (Bình đẳng tánh trí). Đối với Ngài, tất cả các chúng sinh đều quý giá như nhau. Bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, giới tính hay điều kiện sống, tất cả chúng ta đều được tạo ra từ đất. Ân đức của đức Phật Bảo Sinh rọi chiếu tất cả, từ cung điện nguy nga tráng lệ cho đến những vật nhơ bẩn nhất như đống phân. Thiền định về trí tuệ của Ngài giúp cho chúng ta trưởng dưỡng được sự đoàn kết, hợp nhất cho tất cả đồng loại, và còn hơn thế nữa, cho tất cả vô tình và hữu tình chúng sinh.

Trí tuệ Bình đẳng tánh trí ban tặng chúng ta sự rõ ràng của Tâm để quán chiếu tâm trong một khái niệm đúng đắn, theo đó tám sự trải nghiệm cảm xúc được sắp xếp thành bốn cặp: được mất, vinh nhục, khen chê, khổ vui. Những trải nghiệm này luôn đi thành từng cặp. Nếu chúng ta theo đuổi một thứ thì nó sẽ mở con đường dẫn tới thứ còn lại. Ví dụ ta đi tìm khoái lạc thì chắc chắn một lúc nào đó, ta sẽ bị đau khổ. Đây là sự diễn đạt về mặt tâm linh của định luật động lực học thứ ba của Newton: “Mọi hành động trong vũ trụ đều có lực đối ứng với nhau, có sức mạnh tương đương”.

Màu của đức Phật Bảo Sinh là màu vàng. Đây là màu của đất. Đất cũng cực kỳ rộng lượng và hào phóng, luôn sẵn lòng chia sẻ sự thịnh vượng của nó. Ngoài ra, đất cũng bố thí mà không mong chờ đáp trả. Nó bố thí và cũng được nhận nhiều như thế. Do vậy, trái đất là cán cân vĩ đại. Giống như Trái đất, ánh sáng chói lọi của đức Phật Bảo Sinh phá tan tất cả các giới hạn về ta và người. Do đó, chúng ta có thể chia sẻ với người khác – mà không có bất kỳ cảm giác liên quan đến việc cho, bởi vì cho là có bản ngã để cho và có người khác để nhận. Đức Phật Bảo Sinh nâng đỡ chúng ta vượt qua chấp thủ nhị nguyên ấy.

Linh thú liên quan tới đức Phật Bảo Sinh là một con tuấn mã với sinh lực tràn đầy, chở tất cả những chúng sinh khổ đau. Nó cũng được xem như biểu trưng cho cuộc hành trình tâm linh mà đức Phật đã bắt đầu từ lúc Ngài rời hoàng cung đi tìm sự giác ngộ tọa trên lưng một con tuấn mã trung thành.

Trong nghệ thuật Mật giáo, con tuấn mã này thường được mô tả chở trên lưng đầy châu báu. Đây cũng là một cơ sở nữa cho thấy mối liên hệ của nó với đức Phật Bảo Sinh.

Đức Phật Bảo Sinh trụ ở phương Nam. Mặt trời tọa ở phương Nam vào giữa trưa. Những tia nắng của mặt trời lúc này có màu vàng sáng, màu sắc của chính đức Phật Bảo Sinh.

 

 

3. Đức Phật A Di Đà – Amitabha

Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật Thích Ca, đại đức A Nan là người gần gũi Ngài nhiều nhất. Cũng chính vì cơ duyên nầy mà ông ta đã học hỏi rất nhiều ở nơi Phật.
Một hôm, ngài A Nan nhìn thấy dung mạo Đức Phật lại khác thường hơn mọi ngày vì Ngài nhìn có vẻ vui hơn.

Phật dạy rằng:

Ta cảm nhớ Đức Phật A Di Đà nên muốn nhắc đến nhân địa của Ngài để chỉ dạy chúng sinh tu về môn Tịnh độ.

Phật kể rằng:

“Từ đời quá khứ thật xa , cách nay hơn 10 kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ. Vua của nước nầy tên là Nguyệt Thượng Luân và Hoàng hậu là Thù Thắng Diệu Nhân. Hoàng hậu sinh ra được ba người con: người con lớn tên là Nhật Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca và người con út tên là Nhật Đế Chúng. Trong thời bấy giờ, có Đức Phật hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai giáng sinh để cứu độ chúng sinh. Khi nghe tin có Phật tái thế, Hoàng tử Kiều Thi Ca quyết định rời bỏ cung vàng tìm đến Phật để xin xuất gia. Ngài được Phật chấp nhận cho thọ Tỳ kheo giới và ban cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo. Khi đứng trước Đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai thì Ngài Pháp Tạng phát 48 lời nguyện rộng lớn để độ tất cả mười phương chúng sanh. Nếu có lời nguyện nào không viên mãn thì Ngài thề chẳng thành Phật. Sau cùng Pháp Tạng trở thành Phật A Di Đà.

A Di Đà có nghĩa là vô lượng thọ và vô lượng quang. Phật A Di Đà là Phật sống lâu không có số lượng và hào quang thì chói sáng khắp nơi vô tận.

Khi thành Phật, Đức A Di Đà đã khai thiên cho Ngài một cảnh giới cực lạc mà Đức Phật Thích Ca gọi đây là Tây phương Cực lạc.

Bậy giờ chúng ta hãy nghe Đức Phật Thích Ca kể tiếp: Từ cõi Ta bà nầy hướng về cõi Tây, hơn muôn muôn ức cõi, có một thế giới gọi là Cực lạc hay Tịnh độ. Ở nơi đó, Đức Phật A Di Đà thường hay thuyết pháp để hóa độ chúng sinh. Phong cảnh ở đây vô cùng đẹp đẻ, sáng lạng vui tươi và khi nhìn chung quanh chẳng khác chi là một vườn hoa vĩ đại với những hàng cây ngay ngắn. Những tường hoa, những dây leo rũ xuống như màu gấm, như lụa là và kèm theo những hồ nước chứa đầy những thứ nước có tâm công đức. Đặc biệt đáy hồ lát bằng cát vàng và bao quanh bằng những hoa sen lớn bằng bánh xe với đủ màu sắc có hương thơm tỏa ngát và hào quang tỏa ra tuyệt đẹp. Hễ hoa sen màu xanh thì phát ra hào quang xanh. Hoa màu trắng thì phát ra màu trắng. Còn hoa màu hồng thì phát ra hào quang màu hồng. Thêm nữa, đền đài, điện các ở cõi Tịnh độ đều làm bằng ngọc vàng châu báu. Thật là hiếm có. Còn nói về chim chóc ở đây thì toàn là những thứ chim quý chẳng hạn như bạch hạc, không tước, anh vỏ…Những loài chim nầy lúc nầy cũng hót ra những tiếng pháp vi diệu để hòa lẫn trong những điệu nhạc thiêng liêng làm cho bất cứ ai khi nghe đến cũng đều pháp tâm hoan hỷ niệm Phật. Các loài chim nầy do chính Đức Phật A Di Đà biến hóa ra để thuyết pháp cho chúng sinh nghe. Ở cõi Tây phương nầy thì không bao giờ có màn đêm bởi vì hào quang của Đức Phật phát ra vô tận.

Đức Phật A Di Đà có tất cả 48 lời nguyện. Nhưng đối với những người tu Tịnh độ thì lời nguyện thứ 18 và 19 là quan trọng hơn cả.

* Lời Nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật , thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn về cõi nước tôi, niệm đến 10 niệm. Nếu không được vãng sanh thì tôi không ở ngôi Chánh giác ngoại trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch hoặc là hủy báng Chánh pháp.

* Lời nguyện thứ 19: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh phát Bồ-đề tâm, tu các công đức, nguyện sanh về cõi nước tôi. Đến lúc lâm chung, nếu tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thì tôi không ở ngôi Chánh giác.

Hoa sen.

Kinh Phật nói rằng:” Hoa sen trong nhân gian nhiều lắm là có mấy mươi cánh. Hoa sen trên cõi trời có khoảng chừng vài trăm cánh. Còn hoa sen ở cõi Tịnh độ lại có hơn ngàn cánh”.

Hoa sen là biểu thị từ chỗ phiền não đến chỗ thanh tịnh. Bởi vì loài sen thì mọc lên từ trong bùn lầy và nở hoa trên mặt nước. Nó ẩn chứa ý nghĩa là mặc dù sinh ra từ trong bùn nhơ mà lại không nhiễm mùi bùn. Không hôi tanh nhơ nhớp mà lại tinh khiết thơm tho. Hoa sen mọc trong nước vào mùa hè nóng nực. Nóng nực là biểu thị cho phiền não và nước thì tượng trưng cho thanh tịnh mát mẻ. Khi tu Tịnh độ thì chúng ta từ phiền não đạt đến giải thoát cũng như sinh về Tịnh độ là hóa sinh trong hoa sen.

Đối với Thánh nhân thì hoa sen tượng trưng cho công đức thanh tịnh và trí tuệ thanh lương. Cho nên chúng ta thấy Phật hay Thánh đều ngồi hay đứng trên hoa sen.

“Thân tuy ở cõi Ta bà,
Mà lòng đã gửi bên tòa hoa sen”

*

A-di-đà hay A Di Đà là danh từ phiên âm có gốc từ hai chữ trong tiếng Phạn: अमिताभ, amitābha và amitāyusAmitābha dịch nghĩa là “vô lượng quang” – “ánh sáng vô lượng”; amitāyus có nghĩa là “vô lượng thọ” – “thọ mệnh vô lượng”.

Trong lịch sử Phật giáo thì Phật A-di-đà được tôn thờ sớm nhất trong lịch sử, vào hàng a tăng kỳ kiếp trước có một vì vua sau khi nghe đức Phật thuyết pháp thì lập tức giác ngộ và từ bỏ ngai vàng mà đi theo đức Phật để quy y pháp danh là Pháp Tạng và đã thành Phật hiệu là A Di Đà. Thân hình của vị Phật này thường được vẽ bằng màu đỏ, tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây. Một tay của A-di-đà bắt ấn thiền định, tay kia giữ một cái bát, dấu hiệu của một giáo chủ, cũng có ảnh một tay đức phật cầm tòa sen, một tay xòe ra đưa xuống đất có ý nghĩa để dẫn dất chúng sinh lên tòa sen về cõi tịnh độ. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hai con công là biểu hiện của sự thoát hiểm, thoát khổ. Tại Ấn Độ và Tây Tạng, người ta tin rằng con công có thể ăn tất cả những chất độc mà không bị ảnh hưởng gì.

Tượng A Di Đà thường có những nét đặc trưng: đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên tòa sen

Thông thường, Phật A-di-đà được vẽ ngồi trên tòa sen, tay Ngài bắt ấn thiền hay ấn giáo hóa. Cùng được thờ chung với A-di-đà là hai Bồ Tát, đó là Quán Thế Âm (sa. avalokiteśvara), đứng bên trái và Đại Thế Chí (sa. mahāsthāmaprāpta), đứng bên phải.

48 đại nguyện của Phật A-di-đà

  1. Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi còn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  2. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi sau khi mạng chung còn trở lại ba ác đạo thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  3. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng đều thân màu vàng ròng thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  4. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi sắc thân chẳng đồng có kẻ xấu người đẹp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  5. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng biết túc mạng, tối thiểu là biết sự việc trong trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  6. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thiên nhãn, tối thiểu là thấy trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  7. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thiên nhĩ, tối thiểu là nghe lời thuyết pháp của trăm ngàn ức na do tha chư Phật và chẳng thọ trì hết, thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  8. Giả sư khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được tha tâm trí, tối thiểu là biết tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn ức na do tha cõi nước, thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  9. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thần túc, tối thiểu là khoảng một niệm qua đến trăm ngàn ức na do tha nước Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  10. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi nếu sanh lòng tưởng nghĩ tham chấp thân thể thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  11. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn ở nước tôi, chẳng an trụ định tụ quyết đến diệt độ thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  12. Giả sử khi tôi thành Phật, quang minh có hạn lượng, tối thiểu chẳng chiếu đến trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  13. Giả sử khi tôi thành Phật, thọ mạng có hạn lượng, tối thiểu là trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  14. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng Thanh Văn trong nước tôi mà có người tính đếm được, nhẫn đến chúng sanh trong cõi Đại Thiên đều thành bực Duyên Giác cùng nhau chung tính đếm suốt trăm nghìn kiếp mà biết được số lượng ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  15. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi thọ mạng không ai hạn lượng được, trừ họ có bổn nguyện dài ngắn tự tại. Nếu chẳng như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  16. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi mà còn nghe danh từ bất thiện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  17. Giả sử khi tôi thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật chẳng đều ngợi khen xưng tụng danh hiệu của tôi thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  18. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  19. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát tâm Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  20. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  21. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhơn thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  22. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở cõi nước khác sanh về nước tôi rốt ráo tất cả đến bực nhứt sanh bổ xứ. Trừ người có bổn nguyện tự tại hóa độ, vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ chứa công đức độ tất cả, đi qua các nước Phật tu hạnh Bồ Tát, cúng dường chư Phật mười phương, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sanh khiến họ đứng nơi đạo chánh chơn vô thượng, vượt hơn công hạnh của hạng tầm thường, hiện tiền tu công đức Phổ Hiền. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  23. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi thừa thần lực Phật đi cúng dường chư Phật, khoảng bữa ăn nếu không đến khắp vô số vô lượng ức na do tha cõi nước thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  24. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi ở trước chư Phật hiện công đức mình, nếu những thứ dùng để cúng dường không có đủ theo ý muốn thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  25. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng thể diễn nói nhứt thiết trí thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  26. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng được thân Kim Cương Na la diên thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  27. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn và tất cả vạn vật trong nước tôi trang nghiêm thanh tịnh sáng rỡ hình sắc đặc biệt lạ lùng vi tột diệu không ai lường biết được, dầu là có thiên nhãn mà biện biệt được danh số ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  28. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi, nhẫn đến người công đức ít nhứt mà chẳng thấy biết đạo tràng thọ màu sáng vô lượng cao bốn trăm muôn dặm thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  29. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi nếu đọc tụng thọ trì diễn thuyết kinh pháp mà chẳng được trí huệ biện tài thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  30. Giả sử khi tôi thành Phật, trí huệ biện tài của Bồ tát trong nước tôi mà có hạn lượng thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  31. Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi thanh tịnh soi thấy tất cả vô lượng vô số bất khả tư nghị thế giới chư Phật mười phương, như gương sáng soi hiện hình gương mặt, nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  32. Giả sử khi tôi thành Phật, từ mặt đất lên đến hư không, những cung điện, lâu đài, ao nước, cây hoa, tất cả vạn vật trong nước tôi đều dùng vô lượng châu báu, trăm ngàn thứ hương hiệp lại làm thành xinh đẹp kỳ lạ hơn hàng thiên nhơn. Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới mười phương. Bồ Tát nghe mùi hương ấy đều tu hạnh Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  33. Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sanh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương, được quang minh tôi chiếu đến thân, thân họ nhu nhuyến hơn hẳn hàng thiên nhơn. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  34. Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sanh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi mà chẳng được Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn các thâm tổng trì thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  35. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng nữ nhơn của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi vui mừng tin ưa phát tâm Bồ đề nhàm ghét thân người nữ, nếu sau khi chết mà họ còn sanh thân người nữ lại thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  36. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát trong vô lượng bất tư nghì thế giới mười phương thế giới nghe danh hiệu tôi sau khi thọ chung thường tu phạm hạnh đến thành Phật đạo. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  37. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn trong vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi rồi năm vóc gieo xuống đất cúi đầu vái lạy vui mừng tin ưa tu hạnh Bồ Tát thì được chư Thiên và người đời đều kính trọng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  38. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi muốn được y phục liền tùy nguyện hiện đến, y phục đẹp đúng pháp như Phật khen ngợ tự nhiên mặc trên thân. Nếu còn phải may cắt nhuộm giặt thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  39. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi hưởng thọ khoái lạc chẳng như bực lậu tận Tỳ Kheo thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  40. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát nước tôi tùy ý muốn thấy vô lượng nước Phật trang nghiêm thanh tịnh mười phương thì liền được toại nguyện, đều được soi thấy ở trong những cây báu, như thấy mặt mình hiện rõ trong gương sáng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  41. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, từ đó đến lúc thành Phật nếu các căn thân còn thiếu xấu chẳng được đầy đủ thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  42. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được thanh tịnh giải thoát tam muội, khoảng một lúc phát ý, cúng dường vô lượng bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn, mà không mất tâm chánh định. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  43. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, sau lúc thọ chung sanh nhà tôn quý. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  44. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi vui mừng hớn hở tu hạnh Bồ Tát đầy đủ cội công đức. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  45. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được phổ đẳng tam muội, an trụ trong tam muội nầy đến lúc thành Phật thường thấy vô lượng bất khả tư nghị tất cả chư Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  46. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở trong nước tôi tùy chí nguyện của mỗi người muốn được nghe pháp liền tự nhiên được nghe. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  47. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đến bực bất thối chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
  48. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đệ nhứt nhẫn, đệ nhị nhẫn và đệ tam pháp nhẫn, nơi các Phật pháp chẳng liền được bực bất thối chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.

4. Đức Phật Bất Động – A Súc Bệ – Akshobya Buddha

PHÁP HỘI BẤT ĐỘNG NHƯ LAI PHẨM THỌ KÝ TRANG NGHIÊM – THỨ NHỨT

Như vậy, tôi nghe một lúc đức Phật ở thành Vương Xá tại núi Kỳ Xà Quật cùng một ngàn hai trăm năm mươi chúng đại Tỳ kheo câu hội, chúng đại Tỳ kheo này đều là bực A La Hán mà mọi người đều quen biết.

Các Ngài ấy đã hết những phiền não, tâm huệ giải thoát tự tại vô ngại dường như đại Long, việc làm đã xong vứt bỏ gánh nặng sanh tử, đã được lợi ích chính mình, hết những nghiệp kết, thông đạt Chánh giác đến bờ kia, riêng Ngài A Nan còn ở bực hữu học.

Lúc ấy Tôn giả Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng lên đức Phật mà bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Thuở xưa chư đại Bồ tát phát xu Vô thượng Bồ đề thế nào? Tu hành khắp các hạnh thanh tịnh, mặc giáp tinh tiến công đức trang nghiêm thế nào? Chư đại Bồ tát ấy do mặc áo giáp nên được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề.

Bạch đức Thế Tôn! Hạnh nguyện và sự phát tâm ấy, xin đấng đại từ khai thị diễn thuyết cho.

Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ tát ấy vì lợi ích an lạc chư Thiên và nhơn dân mà chuyên cần tu tập khắp các hạnh thanh tịnh mặc giáp tinh tiến, do đó mà lợi ích an lạc tất cả chúng sanh, và sẽ làm ánh sáng Phật pháp lớn cho chư Bồ tát hiện tại và vị lai, vì họ tán dương công đức chứng được thiện căn vậy.

Chư Bồ tát nghe pháp này rồi chuyên cần tu học chân như pháp tánh sẽ được Vô thượng Bồ đề.”

Đức Phật phán dạy: “Lành thay! Lành thay! Này Xá Lợi Phất! Ông có thể thưa hỏi đức Như Lai về tịnh hạnh quang minh, giáp trụ rộng lớn công đức sâu dày của chư đại Bồ tát thuở quá khứ để nhiếp thọ chư đại Bồ tát vị lai.

Lắng nghe, lắng nghe, suy gẫm đúng lý, ta sẽ vì ông mà nói.”

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi xin muốn được nghe.”

Đức Phật phán dạy: “Này Xá Lợi Phất! Từ đây qua phương Đông, quá một ngàn thế giới có quốc độ tên là Diệu Hỷ. Thuở xưa có đức Phật hiệu Quảng Mục Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh giác xuất hiện trong nước Diệu Hỷ ấy, vì chư đại Bồ tát nói pháp vi diệu, từ pháp lục Ba la mật làm đầu.

Lúc ấy có một Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng lên đức Quảng Mục Như Lai mà bạch rằng:

Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Phật đã dạy về pháp Bồ tát xin chí nguyện tu hành.

Đức Quảng Mục Như Lai nói:

Này Tỳ kheo! Nay ông cần phải biết giáo pháp Bồ tát rất khó tu tập.

Tại sao vậy?

Vì Bồ tát đối với chúng sanh chẳng có lòng sân hại vậy.

Tỳ kheo ấy bạch:

Bạch đức Thế Tôn! Từ hôm nay tôi phát tâm Vô thượng Bồ đề, dùng lòng không dua dối, lời nói chân thiệt chẳng đổi khác để cầu Nhứt thiết chủng trí. Từ nay cho đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, đối với tất cả chúng sanh nếu tôi sanh lòng sân hại thì chính là trái bỏ chư Phật Như Lai hiện đương thuyết pháp trong vô lượng vô số vô biên thế giới.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy. Nếu giữa chừng tôi lại phát tâm Thanh văn, Duyên giác thì là khi dối tất cả chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, đối với tất cả chúng sanh nếu tôi sanh lòng ái dục sân hại ngu si, hoặc tương ưng với hôn trầm cống cao ác tác, thì là khi dối tất cả Như Lai.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, nếu tôi sanh lòng nghi hoặc, lòng sát hại, lòng trộm cắp, hoặc sanh khởi tà kiến, phi phạm hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tổn hại, thì là khi dối tất cả chư Phật.

Lúc ấy có Tỳ kheo khác nghĩ rằng vị Bồ tát này do sơ phát tâm mặc áo giáp tinh tiến, đối với tất cả chúng sanh chẳng bị sân hại v.v… làm lay động.

Nhơn vì có niệm nghĩ ấy nên trong nước Diệu Hỷ đặt hiệu cho Bồ tát ấy là Bất Động.

Đức Quảng Mục Như Lai thấy Bồ tát ấy được hiệu Bất Động cũng tùy hỷ khen hay.

Tứ Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Vương nghe danh hiệu ấy cũng đều tùy hỷ.

Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy Bồ tát Bất Động ở trước đức Quảng Mục Như Lai bạch rằng:

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy. Nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, chỗ tu hành nếu trái lời ấy thì là khi dối chư Phật Như Lai hiện đương thuyết pháp tại vô lượng vô số thế giới.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát đại tâm hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy. Nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề nếu ở nơi mỗi mỗi lời nói chẳng tương ưng với niệm Phật và Nhứt thiết chủng trí thì là khi dối tất cả chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, nếu đời đời làm người tại gia mà chẳng xuất gia thì là khi dối tất cả chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát đại tâm hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, đời đời xuất gia nếu chẳng khất thực, chẳng một lần ngồi ăn, chẳng ăn tiết giảm, chẳng trì ba y, chẳng đắp y phấn tảo, chẳng theo chỗ mà ngồi, chẳng thường ngồi, chẳng ở A lan nhã, chẳng ở dưới cây, chẳng ngồi chỗ trống, chẳng ở gò mả thì là khi dối tất cả chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm đại Bồ đề này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Nhứt thiết chủng trí, nếu tôi chẳng thành tựu biện tài vô ngại thuyết các diệu pháp, thì là khi dối vô số chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, nếu tôi chẳng an trụ ba oai nghi hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc kinh hành, thì là khi dối vô lượng chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Vô thượng, nhẫn đến chừng nào chưa được Nhứt thiết chủng trí, nếu đối với chúng sanh tôi phạm tội căn bổn, hoặc nói vọng ngữ và những lời huyên náo thế tục khác, hoặc khởi lòng tồi phục luận thuyết của người khác, thì là khi dối vô số chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này an trụ hồi hướng Vô thượng Bồ đề, hoặc có lúc thuyết pháp cho hàng phụ nữ, nếu tôi chẳng khởi cảm tưởng vô thường khổ không vô ngã mà lại nghĩ lấy tướng người nữ và nhe răng cười, thì là khi dối tất cả chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí hồi hướng an trụ Vô thượng Bồ đề, nếu trong khi thuyết pháp nhìn ngó chỉ trỏ khinh tháo hoặc thấy các Bồ tát khác mà chẳng nghĩ tưởng là bực đại sư, thì là khi dối vô số chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí hồi hướng Vô thượng Bồ đề, trừ Sa môn đệ tử của chư Phật, nếu tôi ngồi nghe pháp và lễ Sa môn, Bà la môn ngoại đạo, thì là khi dối tất cả chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát đại tâm này nhẫn đến Vô thượng Bồ đề, lúc thật hành tài thí, pháp thí, nếu lòng tôi còn có bỉ thử, với chỗ đáng cúng dường lại sanh lòng giản dị, thì là khi dối tất cả chư Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề, nếu thấy các người tội phạm sắp bị hình phạt mà chẳng xả thân mạng để cứu hộ họ, thì là khi dối tất cả chư Phật.

Này Xá Lợi Phất! Lúc Bồ tát Bất Động ấy tu đại hạnh như vậy nhẫn đến chừng nào chưa chứng quả Vô thượng Bồ đề, không một chúng sanh nào sắp bị hình phạt mà chẳng cứu hộ họ.

Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy có một vị Tỳ kheo nghĩ rằng: Đức Như Lai đối với đại hạnh ấy nên tác chứng minh.

Chư Thiên, Nhơn, A tu la v.v… kia cũng nên chứng kiến.

Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy đức Quảng Mục Như Lai biết tâm niệm của Tỳ kheo ấy liền phán rằng: Đúng như vậy, Như Lai Ứng Cúng Chánh đẳng Chánh giác chứng kiến đại hạnh ấy, các thế gian chư Thiên, Nhơn, A tu la v.v… cũng chứng kiến. Nếu có đại Bồ tát nào mặc áo giáp đại tinh tiến như vậy xu hướng Vô thượng Bồ đề, đều sẽ thành Phật đạo.

Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy Bất Động Bồ tát bạch đức Quảng Mục Như Lai rằng:

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này, nhẫn đến chừng nào chưa chứng được Vô thượng Bồ đề, giữa chừng nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nào phạm tội, mà tôi đi nói tội phạm của họ thì là trái bỏ chư Phật Như Lai.

Bạch đức Thế Tôn! Tôi tu công hạnh ấy nguyện thành Vô thượng Bồ đề, làm cho cõi nước tôi rộng lớn thanh tịnh, chúng Thanh văn đều không có lầm lỗi.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí, nhẫn đến chừng nào tôi chưa chứng quả Vô thượng Bồ đề, nếu sanh tưởng niệm dâm dục tiết ra bất tịnh, cho đến trong lúc chiêm bao, thì là trái bỏ chư Phật Như Lai vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Tôi tu đại hạnh này chứng Vô thượng Chánh giác, khiến trong nước tôi, những Bồ tát xuất gia trong lúc chiêm bao cũng không tưởng dục tiết ra bất tịnh.

Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí nhẫn đến chứng được Vô thượng Bồ đề, trong nước tôi, nếu hàng nữ nhơn còn có lỗi lầm của người nữ như các nước khác thì tôi chẳng ở ngôi Chánh giác. Nếu ở ngôi Chánh giác thì là khi dối tất cả chư Phật.

Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ tát do công năng đại nguyện ấy thành tựu thì tùy niệm xuất sanh các pháp như vậy có thể thuyết pháp cho tất cả chúng sanh.

Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy có Tỳ kheo thưa Bất Động Bồ tát rằng: Bạch Đại sĩ! Nếu đây là thành tâm bất thối chí ngôn không hư vọng, thì xin Ngài dùng ngón chân lay động mặt đất.

Bất Động Bồ tát nương oai thần của Phật và sức bổn nguyện thiện căn làm cho mặt đất Diệu Hỷ ấy chấn động sáu cách. Những là chấn, đại chấn và biến chấn, động, đại động và biến động.

Này Xá Lợi Phất! Đúng như lời phát nguyện thuở xưa, Bồ tát Bất Động nay đã hoàn thành tất cả công hạnh.

Vì thế nên có Bồ tát nào muốn chứng Vô thượng Bồ đề thì nên học theo Bất Động Bồ tát. Nếu có Bồ tát nào khéo tu những hạnh nguyện ấy thì sẽ được như quốc độ Diệu Hỷ ấy. Và có thể mau chứng Vô thượng Bồ đề.”

Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Lúc Bất Động Bồ tát mới phát tâm có bao nhiêu Thiên tử đến dự hội?”

Đức Phật phán: “Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy trong Đại Thiên thế giới có bao nhiêu Tứ Đại Thiên Vương, và cùng Đế Thích, Ma vương, Phạm Thiên Vương v.v… đều hoan hỷ chắp tay xướng lên rằng: Những đại nguyện công đức được nghe hôm nay là những điều mà từ trước chúng tôi chưa từng nghe. Lúc Bất Động Bồ tát thành Phật, trong quốc độ của Ngài, chẳng phải hạng thiện căn hạ liệt mà được làm chúng sanh ở nước ấy.”

Ngài Xá Lợi Phất bạch: “Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Phật đã dạy, áo giáp công đức của Bất Động Bồ tát mặc, là chỗ chưa từng có ở chư Bồ tát khác.”

Đức Phật phán: “Này Xá Lợi Phất! Đúng như vậy. Chư Bồ tát khác mặc áo giáp lớn phát xu Vô thượng Bồ đề, không có như Bất Động Đại Bồ tát.

Này Xá Lợi Phất! Công đức của Bất Động Bồ tát thành tựu, tất cả Bồ tát trong kiếp Hiền này thảy đều không có.

Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy đức Quảng Mục Như Lai thọ ký Vô thượng Bồ đề cho Bất Động Bồ tát mà dạy rằng:

Này Thiện nam tử! Ở đời sau này, ông sẽ làm Phật hiệu là Bất Động Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Đức Quảng Mục Như Lai thọ ký Vô thượng Bồ đề cho Bất Động Bồ tát, như đức Nhiên Đăng Phật thọ ký cho ta vậy.

Này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký có quang minh lớn chiếu khắp thế giới, đại địa chấn động sáu cách. Như ngày trước lúc ta chứng Nhứt thiết chủng trí, cõi Đại Thiên này chấn động sáu cách.

Lại này Xá Lợi Phất! Thuở ấy tất cả cỏ cây lùm rừng đều ngã ngọn hướng về phía Bất Động Bồ tát. Cũng như ngày trước lúc ta chứng quả Bồ đề, tất cả cỏ cây đều ngã hướng về ta vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, ở quốc độ Diệu Hỷ ấy có bao nhiêu hàng Thiên, Long, Dạ xoa, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, tất cả đều chắp tay đảnh lễ Bất Động Bồ tát. Như lúc ta chứng quả Vô thượng Bồ đề trong cõi này, tất cả hàng Thiên, Long Bát bộ đều chắp tay đảnh lễ ta vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, trong nước Diệu Hỷ ấy, người nữ mang thai đều được an lành, người đui được thấy, người điếc được nghe, không khác ngày ta thành Phật vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát phát nguyện xu hướng Vô thượng Bồ đề, và lúc đức Quảng Mục Như Lai thọ ký, trong hai lúc ấy tất cả chúng sanh đều không có hoạnh tử, cũng giống như lúc ta chứng Nhứt thiết chủng trí vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có hương duyệt ý thơm khắp thế giới, như ngày trước lúc ta chứng đại Bồ đề có hương thích ý thơm ngát khắp mọi nơi vậy.”

Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Bất Động Đại Bồ tát ấy thành tựu những công đức rộng lớn như vậy.”

Đức Phật phán: “Này Xá Lợi Phất! Được đức Quảng Mục Như Lai thọ ký, Bất Động Bồ tát ấy chẳng phải chỉ có những công đức ấy, lại còn có thể được vô biên công đức Ba la mật.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, thế gian, chư Thiên, nhơn dân, A tu la, v.v…, lòng họ đều vui mừng nhu thuận hiền lành cũng như lúc ta thành đạo Bồ đề chư Thiên, nhơn dân v.v… đều vui mừng vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có đại Dạ xoa tay cầm Kim cang hầu hạ Bồ tát, như ta không khác.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, chư Thiên và nhơn dân, rải những hoa đẹp và hương nước hương bột lên trên Bồ tát, như lúc ta chứng đạo Bồ đề vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có chư Thiên và nhơn dân đều hai mươi ức phát tâm Vô thượng Bồ đề được đức Quảng Mục Như Lai thọ ký thành Phật.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, những hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng nở khắp đại địa, cũng như Bồ đề đạo tràng của ta hoa nở trùm khắp.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có vô lượng chư Thiên ở trên hư không rải những Thiên y choàng trên mình Bồ tát và đồng xướng rằng cầu nguyện Bồ tát này mau chứng Vô thượng Bồ đề, như lúc ta được Nhứt thiết chủng trí chư Thiên rải y cúng dường vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Thuở ấy thế gian, chư Thiên, nhơn dân, A tu la, v.v… thấy Bất Động Bồ tát được thọ ký Vô thượng Bồ đề đều rất vui mừng, còn hơn là người đời cha mẹ sanh con trai. Cũng như lúc ta chứng Nhứt thiết chủng trí, chư Thiên và nhơn dân v.v.. đều rất vui mừng vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Khắp cõi nước Diệu Hỷ ấy, bao nhiêu Thiên nhơn, do thần lực của đức Quảng Mục Như Lai, đều nghe Bất Động Bồ tát được thọ ký, họ cúng dường nhiều thứ y phục tốt và món ăn ngon lành, như mọi người cúng dường Tỳ kheo lúc tháng ca đề đã mãn vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, chúng sanh ở dục giới mang những món ăn ngon và tấu nhạc trời để dâng cúng dường.

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát được thọ ký rồi có nhiều công đức thành tựu như vậy.”

Tôn giả Xá Lợi Phất bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh đẳng Chánh giác rất là hy hữu, khéo nói cảnh giới của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn, cũng vậy, cảnh giới thiền định, cảnh giới chư Long chẳng thể nghĩ bàn, các nghiệp nhơn và quả báo chẳng thể nghĩ bàn!

Bạch đức Thế Tôn! Bất Động Bồ tát ấy ở lúc sơ phát tâm nhiếp thọ công đức thù thắng như vậy, được đức Quảng Mục Như Lai thọ ký, lại hoàn thành những công đức lớn chẳng thể nghĩ bàn ấy.”

Đức Phật phán: “Đúng như vậy. Như lời ông nói đó Xá Lợi Phất!”

Bấy giờ Ngài A Nan thưa Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Bạch Đại đức! Bồ tát sơ phát tâm ấy mặc áo giáp tinh tiến, đức Thế Tôn lược nói phần ít công đức vẫn còn chưa hết.”

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Đúng như vậy. Đức Như Lai chỉ lược nói thôi. Tại sao vậy? Bồ tát ấy an trụ ở sơ phát tâm mặc áo giáp tinh tiến thành tựu vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn.”

Tôn giả Xá Lợi Phất lại bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nay đã lược khen Bất Động Bồ tát mặc áo giáp tinh tiến có công đức thù thắng rồi, cúi mong đức Thế Tôn vì nhiếp thọ chư Bồ tát hiện tại và vị lai mà tuyên nói rộng cho.”

Đức Phật phán: “Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát lúc sơ phát tâm mặc áo giáp tinh tiến có công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nay ta vì ông mà nói phần ít. Lắng nghe lắng nghe và khéo suy gẫm đó.”

Tôn giả Xá Lợi Phất bạch: “Bạch đức Thế Tôn! chúng tôi muốn xin được nghe.”

Đức Phật phán: “Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát phát nguyện như vầy: Giả sử hư không có đổi khác, hoằng thệ của tôi trọn chẳng thối chuyển. Do chí nguyện ấy nên bao nhiêu công đức, Bất Động Bồ tát đều sớm thành tựu cả.

Này Xá Lợi Phất! Ta chẳng thấy chư Bồ tát ở kiếp Hiền này, có ai mặc áo giáp tinh tiến như Bất Động Bồ tát.

Này Xá Lợi Phất! Công hạnh tu hành của Bửu Tràng Bồ tát so với Bất Động Bồ tát trong một ít phần nhẫn đến phần ca la cũng chẳng bằng một.

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát mặc áo giáp tinh tiến, vô lượng Bồ tát khác đều không bằng được.

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát do thệ nguyện kiên cố ấy mà chứng Vô thượng Bồ đề nay hiện ở thế giới Diệu Hỷ hiệu là Bất Động Như Lai Ứng Cúng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc tu hạnh Bồ tát thuở xưa, có ai đến xin đầu mắt tủy não tay chân đều vui vẻ xả cho chẳng trái ý một ai.

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai từ khi sơ phát tâm đến lúc chưa chứng Vô thượng Bồ đề, do đại nguyện như vậy nên không mang những bệnh tật phong nhiệt đàm đau đầu v.v…

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai thuở xưa lúc hành Bồ tát đạo được những pháp chưa từng có như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Vì thuở xưa đời đời sanh ra, Ngài cúng dường phụng thờ chư Phật, ở chỗ chư Phật ấy Ngài thường tu phạm hạnh, vì thế nên đời nào cũng lại lấy tên là Bất Động cả, đời nào sanh ở cõi nước nào cũng nhằm đời có Phật, thường thấy Phật.

Này Xá Lợi Phất! Ví như Quán Đảnh Đại vương dòng Sát Đế Lợi ở trong nước được tự tại hơn cả, từ một cung điện sang qua một cung điện, chân vua chẳng đi trên đất, hưởng thọ vui ngũ dục.

Bất Động Bồ tát lúc tu Bồ tát đạo, đời đời thường tu phạm hạnh, cúng dường chư Phật. Ngài thuyết pháp chỉ dạy đều tương ưng với Ba la mật, ít có tương ưng với Thanh văn địa, có thể làm cho chư Bồ tát thẳng vào an trụ Vô thượng Bồ đề. Do vì Ngài phát tâm an trụ Vô thượng Bồ đề như vậy nên được công đức lợi ích rộng lớn như vậy.

Bất Động Bồ tát lại đem căn lành pháp thí hồi hướng Vô thượng Bồ đề phát nguyện như vầy: Lúc tôi thành Phật, tất cả Bồ tát trong nước tôi, do oai lực của Phật, nghe tôi thuyết pháp đều thọ trì đọc tụng hay phụng sự chư Phật Như Lai, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, thường chẳng xa rời chư Phật Thế Tôn, cũng như tôi vậy, chỉ trừ người đến cung Trời Đâu suất ở ngôi bổ xứ.

Tại sao vậy?

Vì pháp của Bồ tát tự nhiên như vậy.

Nếu từ cung Trời Đâu suất giáng thần ở thai mẹ, lúc từ hông hữu sanh ra thì đại địa chấn động.

Này Xá Lợi Phất! Tối hậu thân Bồ tát có thoại tướng như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Như Tỳ kheo đủ thần túc thông vào trong cung điện như ở hư không, oai nghi đứng ngồi đều không chướng ngại. Cũng vậy, tối hậu thân Bồ tát dầu ở thai mẹ mà như ở hư không, tất cả thứ bất tịnh nhơ uế trong thai bào chẳng nhiễm ô được, mùi hôi cũng chẳng nhiễm đến.

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc hành Bồ tát đạo thuở xưa phát nguyện như vầy: Nếu tôi thành Phật, trong nước tôi những người hành Bồ tát thừa và những người hành Thanh văn thừa đều dứt hết ma nghiệp. Các ma chúng chẳng có được dịp dễ, như tôi lúc hành Bồ tát đạo dứt tất cả ma nghiệp, chư Bồ tát ấy nhẫn đến chưa thành những công đức lớn, thường siêng nhiếp thọ tu hành Bồ đề hạnh.

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc hành Bồ tát đạo thuở xưa, khi diễn thuyết các pháp và lúc lắng nghe pháp, thân và tâm của Ngài chẳng biết mỏi mệt.

Tại sao vậy? Vì lúc sơ phát tâm hành Bồ tát đạo, Ngài được oai lực pháp thân vậy.

Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc hành Bồ tát đạo phát nguyện như vầy: Lúc tôi thành Phật, trong nước tôi, chư Bồ tát đều được pháp thân viên mãn như tôi không khác.”

5. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Đấng Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương và các chư thiên ở cung trời Đâu Suất thỉnh Bồ tát Hộ Minh tái thế để giáo hóa và cứu độ chúng sinh ở cõi Ta Bà.

Hoàng hậu Ma Da (Maha Maya) nằm mộng thấy một con bạch tượng rất lớn đến từ ngọn núi vàng dâng lên cho bà một đóa sen trắng.

Vào ngày mồng 8 tháng 4 năm 624 TCN, hoàng hậu Ma Da (Maha Maya) hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Khi sinh ra, ngài đã đi bảy bước, mỗi bước nở ra một đóa sen. Một tay Ngài chỉ trời, một tay chỉ đất và nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ. Duy ngã độc tôn”. Sau khi sinh ngài được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da qua đời. Thái tử được giao cho người dì là Ma Ha Ba Xà Bà Đề (Maha Pajapati Gotami) nuôi dưỡng.

Vua cha Tịnh Phạn (Suddhodana) vui mừng bèn triệu tập các vị thánh giả, đạo sư để xem tướng và cầu phúc cho con trai của mình.

Một hôm có vị đạo sư tên là A Tư Đà (Asita) đến từ Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) xin yết kiến vua để chúc mừng và xem mặt thái tử. Ngài A Tư Đà xem xong bật khóc. Vua Tịnh Phạn hỏi nguyên nhân. A Tư Đà thưa rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp sau này nhất định sẽ trở thành bậc chánh đẳng, chánh giác. Tôi khóc là vì tới lúc đó thì tôi đã chết rồi nên không có cơ hội nghe pháp của Ngài”.

Thái tử Tất Đạt Đa lớn lên là người trầm tư, hay tìm những nơi thanh tịnh để thiền định. Một hôm trong ngày lễ Hạ Điền, ngài thấy người nông dân cầm roi đánh con trâu đang nặng nhọc kéo cày phía trước. Lưỡi cày xới tung đất lên cuốn theo những con trùng, có con bị nắng thiêu đốt, có con bi lưỡi cày cắt thành nhiều đoạn đang quằn quại. Lại có những con chim nhỏ bay xuống gấp lấy những con trùng đó, rồi lại có những con chim lớn đuổi bắt những con chim nhỏ. Ngài cảm thấy buồn phiền với những điều mình vừa trông thấy, nên đã ra một gốc cây to để thiền định.

Thái tử Tất Đạt Đa được nuôi dạy rất chu đáo về cả văn lẫn võ. Với sự thông minh và sức mạnh phi thường của mình, đến năm 12 tuổi ngài đã thông thạo tất cả các học vấn. Từ năm 13 tuổi ngày được truyền thụ võ nghệ. Ngài có sở trường bắn cung rất thiện xạ. Trong một lần trong một cuộc thi bắn cung, ngài đã nâng được chiếc cung rất nặng mà từ trước đến giờ chưa ai nâng nổi và bắn xuyên qua 7 lớp bia đồng trong khi người giỏi nhất cũng chỉ bắn xuyên được 3 lớp.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi tuyển chọn phò mã. Ngài đã kết hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) lúc ngài được 16 tuổi.

Vua cha Tịnh Phạn rất yêu quý và luôn cung cấp cho ngài những thứ tốt nhất trên đời. Ngài đã có 13 năm sống cùng vợ trong sự tột cùng của nhung lụa.

Một ngày khi đi dạo bốn cửa thành, ngài đã nhìn thấy 4 hình ảnh đó là: một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết, và một vị tu sĩ. Ngài nhận ra một điều là con người ta được sinh ra rồi già đi, rồi sẽ bị bệnh tật và cuối cùng sẽ chết cho dù người đó có là ai đi chăng nữa. Ngài trân quý hình ảnh siêu thoát của vị tu sĩ.

Ngài quay về cung nhìn thấy các cung nữ say sưa, thân thể lõa lồ, nằm ngổn ngang trong phòng khiến ngài cảm thấy sự ô uế của con người.

Qua bao nhiêu sự việc, ngài quyết định ra đi tìm đường giải thoát. Ngài đến phòng của mình, ghé cửa nhìn vào người vợ yêu dấu Da Du Đà La và đứa con thơ La Hầu La (Ràhula) lần cuối trước khi lên đường.

Thế rồi ngài đã cỡi con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) cùng với người nô bọc của mình là Xa Nặc (Channa) bỏ lại kinh thành ra đi vào giữa đêm khuya.

Khi đến bờ sông Anoma, ngài đã cắt tóc, trao lại ngựa, tháo bỏ tất cả trang sức quần áo đưa cho Xa Nặc và kêu Xa Mặc trở về. Khi đó ngài được 29 tuổi.

Sau khi đã thọ giáo hết với 2 vị thấy đầu tiên là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, Ngài đã đến một khu rừng để tu ép xác khổ hạnh cùng với 5 anh em Kiều Trần Như (Kondana). Sau 6 năm tu ép xác, thân thể ngài càng suy nhược, yếu ớt tưởng chừng sắp chết. Đến khi ngài nghe được tiếng đàn của đấng Phạm Thiên Indra, ngài liên tưởng đến loại dây đàn không quá căng cũng không quá chùng nên ngài đã phát hiện ra con đường trung dung – Trung Đạo. Ngài đã ăn uống bình thường trở lại. Điều này khiến cho 5 anh em Kiều Trần Như thất vọng và đã bỏ ngải để ra đi tìm nơi khác tiếp tục ép xác tu hành.

Ngài đã thọ nhận bát cháo sữa của nàng Sujata.

Sau khi thọ thực xong, ngài đã đặt chiếc bát xuống dòng sông Ni Liên và thệ nguyện sẽ đạt được giác ngộ rốt ráo. Chiếc bát đã trôi ngược theo dòng nước. Sau đó Ngài đã băng qua dòng nước và được anh nông dân cúng dường bó cỏ Kusa (một loại cỏ thơm), Ngài bèn dùng bó cỏ làm gối lót tọa thiền, rồi đến ngồi dưới gốc cây Bồ Đề (Boddhi) mà phát nguyện: “Nếu không đạt thành đạo quả, ta quyết không đứng dậy và không rời khỏi chỗ này.”

Khi ngài đang ngồi thiền thì bất chợt có một cơn mưa trái mùa rất lớn. Thần rắn Naga liền bò ra khỏi hang, quấn mình quanh chổ ngồi của ngài 7 vòng để nâng Ngài lên và dùng đầu của mình để che mưa cho Ngài.

Ngài đã ngồi quán tưởng các duyên khởi, nhìn thấy được các kiếp trước của mình, của chúng sanh, sự hình thành và hủy diệt của thế giới, của nhiều thế giới.

Ma vương Vasavatti cùng đoàn tùy tùng đã đến quấy nhiễu ngài. Một vị nữ thần từ trong lòng đất đã đánh bại ma vương để hộ pháp cho ngài. Nhờ tu tập pháp độ trong nhiều kiếp nên ngài đã nhiếp phục ma vương một cách dễ dàng. Cuối cùng ma vương cũng bị khuất phục và thành tâm đảnh lễ với Ngài.

Vào buổi bình minh trăng tròn tháng 4 năm 588 TCN, ngài đã hoàn toàn giác ngộ trở thành một đấng chánh đẳng, chánh giác, một vị Phật.

3 người con gái của Ma vương vẫn không buông tha cho ngài và lại tìm cách quyến rũ ngài nhưng họ đều thất bại trước một vị toàn giác như ngài.

Đấng Phạm Thiên đã cầu xin Đức Phật đem chánh pháp giáo hóa chúng sanh. Đức Phật đã nhận lời hoằng pháp độ sinh.

Đức Phật đã chuyển pháp luân đầu tiên tại Lộc Uyển (Vườn Nai) gần thành Ba La Nại (Benares). Ngài đã giảng bài pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế cho 5 anh em Kiều Trần Như. Sau này cả 5 người này đều đắc quả A-la-hán

Vào ngày Magha (rằm tháng 6) Đức Phật đã giáo giới cho 1250 vị Tỳ kheo. Nội dung tóm tắt là: “Không làm các điều ác. Gắng làm các việc lành. Giữ tâm ý trong sạch. Chư Phật đều dạy thế”.

Thân phụ của Đức Phật là vua Tịnh Phạn đã già yếu. Nghe tin Đức Phật giảng pháp ở thành Vương Xá (Rajagaha), vua bèn sai sứ giả đến mời Đức Phật về thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Cả 9 vị sứ giả vua sai đi khi đến nơi thì đều nghe được Phật thuyết pháp, xin xuất gia và thành quả A-la-hán. Đến vị sứ giả thứ 10 đến (Vị này tên là Kaludayi vốn trước đây từng là bạn thân của Đức Phật khi ngài còn là thái tử), sau khi nghe Phật thuyết pháp cũng xin xuất gia và đắc quả A-la-hán nhưng cũng không quên chuyển lời của vua Tịnh Phạn đến Đức Phật. Đức Phật nghe xong đã nhận lời và cùng các thánh đệ tử lên đường về thăm gia đình.

Ngày thứ 2 sau khi về thăm nhà, nhà vua mở tiệc ở Hoàng cung và mời Đức Phật cùng thánh đệ tử thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Đức Phật cùng vua cha và 2 thánh đệ tử là ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) và ngài Mục Kiền Liên (Moggalana) đã đến phòng công chúa Da Du Đà La. Sau khi vào phòng, Đức Phật đã ngồi vào chỗ sắp sẵn. Sau khi công chúa đảnh lễ ngài, ngài đã thuyết giảng chuyện bổn sanh Candakinnara để nói về mối liên hệ giữa ngài và công chúa. Ngài đã khen ngợi công chúa: “Không phải chỉ trong kiếp sống cuối cùng của Như Lai mà trong tiền kiếp, nàng đã bảo vệ, kính mộ và trung thành với Như Lai”. Sau đó ngài đã an ủi công chúa và giã từ hoàng cung. Về sau công chúa Da Du Đà La cũng xuất gia theo Đức Phật và đã đắc quả A-la-hán. Trong hàng các vị tăng ni thì bà Da Du Đà La đã chứng đắc thần thông cao nhất (Maha Abhinna).

Ngày thứ 3 sau khi về thăm nhà của Đức Phật cũng chính là ngày cưới của hoàng tử Nanda. Hoàng tử Nanda vốn là anh em cùng cha khác mẹ với Đức Phật. Trong lễ cưới Đức Phật trao cho Nanda chiếc bát, đọc kinh cầu phúc rồi ngài vờ như quên thâu lại và đi về tịnh xá. Nanda vì kính nể Đức Phật nên phải ôm bát đi theo. Về đến tịnh xá, Đức Phật hỏi Nanda có muốn xuất gia hay không. Nanda vì nể nang anh mình nên đã miễn cưỡng đồng ý nhưng trong lòng thì luôn nghĩ đến người vợ trẻ đẹp mới cưới của mình. Đức Phật biết điều này nên đã dùng thần thông dẫn Nanda đi dạo lên cõi trời. Trên đường đi Nanda thấy có một con khỉ cái lông trên mình đã bị cháy xém bám trên một cành cây. Khi lên đến cung trời Đâu Suất, Nanda lại thấy có vô vàn tiên nữ với vẻ đẹp tuyệt vời. Đức Phật chỉ đám tiên nữ và hỏi Nanda: “Này Nanda, so với những tiên nữ này thì vợ mới cưới của ngươi thế nào?” Nanda đáp rằng: “Nếu đem so với những tiên nữ này thì cô ấy giống như con khỉ cái bị cháy đang cố bám lấy cành cây khô”. Đức Phật lại bảo Nanda: “Nếu ngươi kiên trì thực hành giáo huấn thì sau này ngươi sẽ có nhiều cung tần mỹ nữ đẹp như thế này”. Nanda nghe nói thế trong lòng phấn chấn và cố công tu tập nhưng ngài đã bị các vi tỳ kheo khác chê cười vì mục đích tu tập tầm thường của mình. Ngài đã tỉnh ngộ, nhận thức được mục đích thấp hèn của mình nên ngài đã gạt bỏ những tư tưởng xấu xa, tinh tấn nổ lực tu tập. Về sau ngài chứng được quả A-la-hán.

Vào ngày thứ 7 khi Đức Phật lưu lại quê nhà, công chúa Da Du Đà La đã mặc y phục đàng hoàng cho La Hầu La (Rahula) và chỉ vào Đức Phật mà bảo La Hầu La hãy đến xin tài sản của cha con đi. La Hầu La lúc ấy được 7 tuổi, là con trai duy nhất của Đức Phật, đã đến bên Đức Phật và bạch rằng: “Xin ngài hãy trao tài sản của ngài cho con vì tài sản của ngài cũng là của con”. Đức Phật nghĩ thầm: “Nó muốn gia tài của cha, nhưng tài sản trong thế gian quả thật đầy phiền não. Như Lai sẽ ban cho nó gia tài cao thượng gồm bảy phần mà Như Lai đã thâu đạt dưới cội bồ đề. Như Lai sẽ giúp cho nó trở thành sở hữu chủ của một gia tài siêu thế.” Thế rồi ngài làm lễ xuất gia cho La Hầu La và cho theo ngài Xá Lợi Phất thọ giáo.

Khi vua Tịnh Phạn hấp hối, Đức Phật đã đến bên giường bệnh và giảng pháp lần cuối cùng cho vua cha. Vua Tịnh Phạn nghe xong liền đắc quả A-la-hán. Sau khi hưởng sự an lạc trên trần thế được 7 ngày, vua Tịnh Phạn nhập niết bàn.

Đức Phật đã dùng thần thông để lên cung trời Đao Lợi giảng Vi Diệu pháp (Kinh Địa Tạng) độ cho Phật mẫu là hoàng hậu Ma Da.

Đức Phật từ cung trời Đao Lợi trở về thế gian, các hàng chư thiên ra đưa tiễn rất đông.

Khi tròn 80 tuổi, Đức Phật biết việc thuyết pháp giáo hóa chúng sinh của mình đã viên mãn, đó là lúc Như Lai sẽ nhập niết bàn. Ngài đã nói với ngài A Nan là 3 tháng nữa ngài sẽ nhập diệt. A Nan thành khẩn cầu xin Đức Phật sống thêm 1 kiếp nữa nhưng Đức Phật đã từ chối và giảng pháp vô thường. Từ thành Tỳ Xá Ly (Vaisali) Đức Phật đã cùng với A Nan và các thánh chúng đệ tử đi đến thành Câu Thi Na (Kusinara). Trên đường đi Đức Phật đã thuyết pháp giáo độ chúng sanh rất nhiều. Khi đến Pava, Đức Phật và thánh đệ tử được ngưởi thợ rèn tên là Thuần Đà (Cunda) thiết tiệc trai. Thuần Đà còn làm riêng cho Đức Phật món đặc biệt là sùkaramaddava. Đức Phật nhìn thấy món ăn đã ngăn không cho các đệ tử của mình dùng và nói rằng: “Chỉ có Như Lai mới ăn và tiêu hóa được thức ăn này mà thôi”. Sau khi thọ trai xong, Đức Phật đã bị kiết lỵ rất nặng. Tuy cơ thể rất mệt mỏi nhưng Đức Phật vẫn bình thản tiếp tục hành trình. Đức Phật tắm lần cuối cùng ở sông Kakutthi, và sau khi nghỉ một lát, Ngài nói với Đại đức A Nan: “Có thể có người trách Thuần Đà về bữa cơm cuối cùng dọn cho Ta, vì sau bữa ăn đó Ta sẽ nhập Niết bàn, và Thuần Đà có thể ăn năn hối hận. Nhà ngươi cần nói cho Thuần Đà biết rằng, có hai bữa ăn cúng dường cho Như Lai, đem lại công đức lớn nhất cho người cúng dường. Đó là bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai thành đạo và bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai nhập Niết bàn. Hãy nói cho Thuần Đà biết rằng, nhờ đã cúng dường Như Lai bữa ăn cuối cùng trước khi Như Lai nhập Niết bàn, Thuần Đà được phúc đức lớn, quả báo lớn, nhờ đó mà Thuần Đà được thọ mạng lâu dài, tái sanh ở cõi lành, giàu có, tiếng tăm, được sanh lên cõi trời và có quyền lực lớn. Này A Nan, ngươi hãy nói như vậy để loại bỏ mọi nỗi ân hận của Thuần Đà, nếu có”.

Đức Phật đến vườn cây Sala ở Kusinara, nơi có bộ tộc Mallas ở, và bảo Đại đức Ananda chuẩn bị chỗ nằm, để Đức Phật yên nghỉ, đầu hướng Bắc, nằm nghiêng mình, chân phải để trên chân trái, bình thản, tỉnh táo. Lúc này có 1 đạo sĩ tên là Subhadda xin vào gặp Đức Phật. Ngài A Nan đã từ chối vì nhận thấy lúc này Đức Phật đã rất mệt nhưng Đức Phật bảo A Nan cho người đạo sĩ đó vào. Sau khi nghe Phật thuyết giảng, Subhadda xin Phật xuất gia. Đây cũng là vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật. Phật lại căn dặn A Nan và thánh chúng đệ tử gắng sức tu tập để đạt được giải thoát. Sau đó Đức Phật im lặng từ từ đi vào thiền định và nhập Niết Bàn vào năm 543 TCN.

Sau 6 năm khổ hạnh, 45 năm thuyết pháp độ sinh, cuối cùng công đức của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đã viên mãn. Cuộc đời vĩ đại của Đức Phật từ lúc đản sanh đến lúc nhập Niết Bàn luôn là bài học lớn có giá trị mặc dù đã trãi qua hơn 25 thế kỷ. Suốt cuộc đời hành đạo của mình, Đức Phật chỉ nhận mình là bậc Đạo sư, là người dẫn đường. Ngài luôn dạy các đệ tử phải tự mình tu tập và cũng chỉ tự bản thân mình mà thôi, không ai có thể giúp đỡ được.

Nguồn: Sưu tầm

Xem tiếp phần 2: Giới thiệu các vị Phật, Bồ Tát, Hộ pháp – Phần 2: 9 vị Chư Bồ Tát – Bổn Tôn

Trả lời