NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THIỀN – TT THÍCH CHÂN QUANG – Phần 3 (Hết)

(Tiếp phần 2)

Khi thuần thục trong thiền, thời gian trống không tỉnh giác của ta sẽ dài hơn, và ta bắt đầu có cảm giác hỷ lạc của thiền. Lúc này “hơi thở” hiện ra. Ta bước vào giai đoạn tu tập hơi thở: hơi thở vào ta biết hơi thở vào, hơi thở ra ta biết hơi thở ra.

Và người nào an trú được toàn thân, biết rõ được toàn thân, giữ thân mềm mại bất động, quán thân vô thường và biết luôn hơi thở thì tâm bắt đầu vào an định.

Giai đoạn an định này vẫn chưa phải là Sơ thiền, nhưng bắt đầu xuất hiện nhiều kiến giải, nhiều ảo giác. Có người thấy như cơ thể mình rỗng suốt, có người thấy mình lơ lửng giữa hư không, có người thấy phát hào quang v.v… Những lúc đó phải có một bậc thầy sáng mắt hướng dẫn, bằng không ta bị hoang mang, đứng lại giữa đường, có khi phát điên luôn, hoặc tưởng mình chứng rất cao (rơi vào lỗi “Tăng thượng mạn”) và chịu quả báo nặng nề.

Cho nên khi tu chưa có kết quả thì không sao, còn hễ có kết quả rồi thì hãy tìm một bậc minh sư để được tham vấn, đừng tự đi một mình.

– Trong giai đoạn này, cái chánh niệm tỉnh giác bắt đầu hiện ra trong đời sống của chúng ta lúc đi đứng nằm ngồi, lúc nói chuyện, lúc lắng nghe, lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi, lúc xem phim, lúc đọc sách, ăn cơm, uống nước, tắm rửa vệ sinh v.v… Khi chánh niệm đủ sâu rồi, ta vẫn lắng nghe, vẫn trả lời, vẫn làm việc, nhưng thẳm sâu vẫn biết rõ toàn thân, biết thân vô thường. Người như thế được gọi là một thiền giả đúng nghĩa, vì họ chánh niệm trong từng giây phút cuộc sống.

 

Cái chánh niệm này sẽ không liên tục, khi được khi mất. Tuy nhiên nếu ta cố gắng tu tập mãi, giữ gìn đạo đức, gây tạo công đức, thiền tọa đều đặn, siêng năng lễ Phật sám hối v.v… thì chánh niệm tỉnh giác sẽ đầy dần, lấp dần trong cuộc sống cửa ta, cho đến chỗ không còn chỗ trống, lúc nào tâm cũng vằng vặc tỉnh giác. Đó gọi là thành tựu được chánh niệm tỉnh giác.

– Và giá trị của chánh niệm tỉnh giác là ở chỗ phá được “năm triền cái”. Phá được rồi ta mới tạm gọi là đi xong giai đoạn chánh niệm tỉnh giác, để chuẩn bị nhập vào Chánh định, tức là chứng Sơ thiền.

+ Triền cái thứ nhất là “tham”. Khi ta an trú chánh niệm được một thời gian rồi thì lòng tham bị bứng sạch, tiền muôn bạc vạn không bao giờ làm ta động tâm nữa.

+ Triền cái thứ hai là “sân”. Dù ta có bị mưu hại, nhục mạ đến mức độ nào, lòng ta không bao giờ còn giận hờn thù ghét nữa.

+ Triền cái thứ ba là “hôn trầm”. Ngồi thiền không bị hôn trầm, năng lực não bộ mạnh lên, trong đời sống nếu cần phải thức thì cứ tỉnh táo một cách dễ dàng (không như người bình thường hễ thiếu ngủ là sinh bệnh).

+ Triền cái thứ tư là “nghi”, phá được triền cái này rồi thì không còn hồ nghi trước điều đúng sai của cuộc đời, của đạo lý. Cái khó nhất của triết học, của đạo học là cái gì đúng cái gì sai. Trên đời này không có ai là người có quyền định đoạt, xác lập, nắm giữ cái đúng sai cả. Chỉ trừ người tu thiền đến phá được triền cái thứ tư là hồ nghi thì tự nhiên đạt được cái đỉnh của trí tuệ, và người ấy biết được mọi điều đúng sai trên cuộc đời này. Nghe một lời nói, một đạo lý biết nó đúng chỗ nào, nó sai chỗ nào, không hồ nghi, do dự. Và người này đã bắt đầu làm thầy của thiên hạ được, vì không bao giờ còn sai lầm giữa đúng và sai nữa.

+ Triền cái thứ năm là “trạo cử”. Khi ngồi thiền thân không còn nhúc nhích lay động nữa, thân cứ vững vàng bất động. Đó là nhờ sức mạnh của thân, tự nhiên thân tuôn trào nội lực.

Năm triền cái này được phá theo đúng thứ tự như Phật dạy, không ai được nói khác đi. Nếu ta có tu thì ta cũng sẽ thấy cái con đường mình đi đúng thứ tự đó, không đi ngược lại được.

Cho nên khi tu cẩn thận kĩ lưỡng rồi ta mới thấy Phật là bậc tối tôn, tối thắng, bậc “Thầy” của trời người không gì bằng được. Phật nói những câu nhiều khi nghe đơn giản, nhưng chứa được cả bầu trời chân lý mênh mông ở trong đó. Còn thật sự đã có những lời nghe thì cao siêu hoa mỹ nhưng dẫn ta đi lạc lối rồi.

– Người phá được triền cái tham, đó là người mà Phật nói là “không có đôi bàn tay nắm lại”, trong lòng cứ bị thôi thúc bởi sự yêu thương, muốn sống giúp đỡ, tử tế với mọi người. Đó là cái đạo đức tự nhiên thành tựu.

Và một bậc Thánh thì phải gồm hai yếu tố: một là thiền định, hai là đạo đức. Người nào chỉ nói về Thiền, chỉ nói về sự tự tại của Thiền mà không nói sâu về đạo đức thì vẫn chưa phải là Thánh. Còn người chứng Thánh thì phải cả hai, vừa đạt được cái tự tại của Thiền, vừa đạt được đạo đức. Đó là con đường thiền mà Phật đã chỉ dạy.

– Điểm cuối của con đường Thiền là “Vô ngã”. Nghe thì đơn giản nhưng chưa một Giáo chủ nào nói lên được trừ Đức Phật, chưa một đạo giáo nào vạch ra được mục tiêu này trừ đạo Phật. Và nhiều người đã thấy sợ khi nghĩ đến việc tu cho đến chỗ không còn chính mình nữa, bởi ai cũng còn chấp ngã. Ai cũng thấy mình là quan trọng. Ai cũng muốn mình được vinh quang, vượt lên.

Cho nên khi nghe rằng tu theo Phật để đi đến chỗ vô ngã, tức là “không còn mình nữa”, ta khó lòng chấp nhận. Đó là đặc tính của phàm phu. Còn ai nghe về mục tiêu vô ngã mà lòng thấy hân hoan thì phải biết rằng đó là người đã có chủng tử tu tập, là bậc thượng căn, tích lũy công đức sâu dày, đi đúng chánh pháp của Phật trong rất nhiều kiếp rồi.

Tuy nhiên, có một quy luật là ta càng xem mình không là gì, càng trốn chạy bản ngã chừng nào thì vinh quang càng ập đến chừng nấy. Ta càng thấy mình là cát bụi chừng nào thì càng được khen ngợi chừng nấy… Tức là ta càng xem mình như hư vô thì cái phước lại càng ngập tràn. Cho nên ta phải xem mình như không, những việc thiện mình làm được là không, cả cái phước ngập tràn của mình cũng như hư vô, đó là ứng dụng đạo lý trong kinh Bát Nhã. Có như vậy ta mới giữ được lời hứa với Phật, mới đi được đến tận cùng mục tiêu vô ngã được.

Tóm lại, ai đến với khóa tu Thiền do Thượng tọa hướng dẫn sẽ được học hỏi hết lòng theo trình tự thực hành thiền một cách dễ hiểu, đầy đủ căn bản để mỗi người tự ứng dụng được dễ dàng mà hiệu quả. Từ đó, ai cũng có thể khám phá sức mạnh của thế giới nội tâm mình.

Thượng tọa chuyên giảng thuyết, chuyên dạy cho phật tử tu tập thiền định, và Người cũng từ trong cửa thiền mà ra. Chỉ vì Người có sống được, có thể nghiệm trong thiền đó, mới cảm sâu, nhận sâu, và truyền đạt lại thật tỉ mỉ, có hệ thống, có logic từ những quan điểm tu tập rất lớn tới những kiến giải rất nhỏ. Giống như một người phải thực sự ăn thì mới cảm nhận hương vị món ăn đó, biết kỹ món ăn đó ngon dở thế nào, hơn là chỉ nghe nói lại, hay đọc trên sách vở, hoặc nghiên cứu qua trung gian. Không cần nói gì, thông qua hơn 1000 chủ đề Pháp thoại của Thượng tọa, chúng ta cũng đã cảm nhận được giá trị tâm linh cao nơi Người.

Cũng vậy, chúng ta hãy đến với thiền để được trải nghiệm, để biết sự phong phú của đời sống tâm linh là thế nào. Nếu mọi người tu tập đều có năng lực thì nhất định sẽ làm lợi lạc cho chính mình, cho tha nhân, cho xã hội và cho toàn thể nhân loại.

Tuệ Đăng

Trả lời