Phương Pháp Thiền Phật Giáo-P2

Tu Thiền là lối tu hướng thẳng vào nội tâm, dẹp sạch vọng tưởng suy tính của mình. Muốn dẹp sạch vọng tưởng cũng có chia phương tiện và cứu kính.

Phương tiện của Thiền là “dùng trí tuệ dẹp tình cảm”. Tức là nhìn thẳng vào sự vật quan sát phân tích để thấy sự tạm bợ giả dối của chúng, khiến lòng lạnh nhạt không còn phiền rộn say mê. Do đó, hành giả dụng công tu tập tâm để được an định.
Thiền có nhiều pháp khác nhau, có thiền ngoại đạo, thiền Phật giáo. Trong thiền Phật giáo đại loại chia làm hai: Thiền đối trị và Thiền tuyệt đối.

(Tiếp theo)

Thiền tuyệt đối:

Pháp Thiền này do Phật Thích-ca ở trong hội Linh Sơn đưa cành hoa lên, Tổ Ca-diếp cười chúm chím rồi được truyền tâm ấn. Truyền thừa mãi đến vị Tổ thứ hai mươi tám là Bồ-đề-đạt-ma, Ngài sang Trung Quốc truyền cho Tổ Huệ Khả, lan dần sang Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và tiếp tục đến hiện nay. Đến Trung Quốc, Tổ Đạt-ma dõng dạc tuyên bố pháp này là:
“GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN, TRỰC CHỈ NHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT.”

(Truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.)

Qua câu tuyên bố của Ngài, chúng ta thấy rõ tánh cách tuyệt đối của nó.

Thiền này tạm nói có hai lối tu: hoặc từ KHÔNG vào CÓ, hoặc từ CÓ ra KHÔNG. Từ không vào có là, trước biết rõ tất cả pháp giả dối không thật. Sau nhận ra chân tâm chân thật là thực thể tuyệt đối bất sanh bất diệt, hằng sống với nó là đạt đạo. Từ có ra không là, trước nhận ra ông chủ chân tâm. Sau nhìn ra các pháp đều hư giả tạm bợ, thường sống với ông chủ của mình là thấy tánh thành Phật.

– Từ không vào có.

Hành giả dùng trí tuệ Bát-nhã soi thấy sự vật do duyên hợp mà có, tự tánh là không, không có thật tánh, chỉ có giả tướng duyên hợp. Nhìn trên giả tướng thấy rõ tự tánh của nó là không, tánh không nên duyên hợp giả có. Duyên hợp tạm gọi là sanh, duyên tan tạm gọi là diệt. Sanh diệt không có thực thể, chỉ là việc duyên hợp duyên tan. Sanh không thật, diệt không thật thì khắp nhân gian còn vật nào thật đâu? Hằng dùng trí tuệ chiếu soi như thế, thấy tất cả sự vật quả là cái bóng hòn bọt, tự thể là không. Thế nên, cửa thiền người đời gọi là cửa KHÔNG.

Nương cửa Bát-nhã tiến vào trong nhà thấy được ông chủ là thành công. Tức là từ cái giả nhận ra lẽ thật, dứt sạch vô minh ngàn đời, sống với trí tuệ viên mãn là giác ngộ giải thoát. Lầm lẫn những giả tướng cho là thật, bỏ quên cái thật muôn đời là vô minh.

Giả tướng thì sanh diệt, thực thể chẳng hề sanh diệt, nên nhận ra và sống được với thực thể, là giải thoát luân hồi sanh tử. Đây là “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”.

Tánh là chỉ thực thể sẵn có nơi mọi chúng sanh, không do tạo tác thành không do tu tập được. Người khéo biết mọi cái giả rồi, tự nhận ra thực thể này, hằng sống với nó là “thấy tánh thành Phật” hiển bày rành rõ nơi đây vậy.

Song nói pháp này mà không có pháp, vì nó không còn đối đãi đối trị, nên nói “pháp vốn không pháp” (pháp bản vô pháp). Không còn khuôn trong hình thức nào. Nên không có cách “nhập, trụ, xuất”, như các pháp thiền khác. Đọc hết các tập sách nói về thiền này, chúng ta không tìm đâu thấy một phương thức tu tập thứ tự. Vì thế, đừng đòi hỏi một phương thức tu tập, hành giả cần tận dụng chiếc gươm Bát-nhã dọn sạch khu rừng kiến chấp thì Bảo sở hiện bày.

Luận bàn

Băn khoăn tìm kiếm phương pháp tu tập, chúng ta sẽ hoàn toàn thất vọng. Hãy nghe câu hỏi của Tổ Huệ Khả cầu xin nơi Tổ Đạt-ma:
– Tâm con chẳng an, xin Hòa thượng dạy con phương pháp an tâm?
– Đem tâm ra, ta an cho.
– Con tìm tâm không được.
– Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Tổ Huệ Khả lãnh hội yếu chỉ.

Đọc đoạn sử này, chúng ta hoàn toàn vô vọng, tìm đâu ra “pháp an tâm”. Lời cầu xin tha thiết của Tổ Huệ Khả, đáp lại bằng câu nửa hư nửa thực của Tổ Đạt-ma, khiến chúng ta bối rối khó hiểu. Song ngay lúc đó, Tổ Huệ Khả lãnh hội được. Thật là việc lạ đời ít có.

Trong lúc tọa thiền bị vọng tưởng dấy khởi nhiễu loạn khiến tâm bất an. Băn khoăn tìm kiếm một phương pháp an tâm là một điều tối cần yếu. Cho nên nghe ở đâu có bậc thiện tri thức tu thiền, liền khăn gói lên đường đến cầu pháp an tâm. Nếu học được pháp này hay pháp nọ để an tâm, rốt cuộc cũng chỉ là lấy nóng trừ lạnh, dùng sáng đuổi tối mà thôi.

Tất cả thứ đối đãi ấy đều là tướng giả dối không thật. Tổ Đạt-ma không dạy theo lối ấy, chỉ bảo “đem tâm ra, ta an cho”. Nhìn thẳng lại cái tâm nhiễu động lăng xăng kia, nó biến mất không còn tăm dạng. Tổ Huệ Khả đành thưa “con tìm tâm không được”. Tổ Đạt-ma chỉ cần nói thêm một câu “ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Tổ Huệ Khả liền thấy lối đi.

Tu Thiền là lối tu hướng thẳng vào nội tâm, dẹp sạch vọng tưởng suy tính của mình
Tu Thiền là lối tu hướng thẳng vào nội tâm, dẹp sạch vọng tưởng suy tính của mình

Từ thuở nào, chúng ta cứ tin rằng cái tâm suy nghĩ lăng xăng là thật có, hôm nay tìm lại không thấy bóng dáng, mới biết nó là không.

Biết nó không thì nó đâu còn khả năng lôi cuốn quấy nhiễu chúng ta nữa. Chúng dấy lên, ta không theo, tâm chẳng an là gì? Sở dĩ tâm ta chẳng an, vì vọng vừa dấy lên ta tùy thuận theo chúng. Nghĩ việc này chưa xong, tiếp đến việc khác, chạy mãi không dừng.

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Tông Mật (Khuê Phong): Thế nào là tu? Sư đáp: “Biết vọng tức là tu.” Thật là đơn giản mà quá đầy đủ. Biết vọng không theo, tâm tự yên lặng, là diệu thuật của môn thiền này. Tuy nói tu mà không tu, vì có trừ có dẹp, có bồi bổ gì đâu? Chẳng qua dùng trí tuệ soi thấu cái giả dối, tâm tự lặng lẽ tạm gọi là tu.

Pháp tu không tu này, mở màn bằng trí tuệ, chung cuộc sống với tâm thể nhất như. Thiền sư Duy Tín đời Tống nói: “Trước ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải núi sông. Nay được chỗ dứt sạch, thấy núi sông là núi sông.”

Pháp thiền này có đặt thời khóa tu tập cố định không?

Thiền này không đặt nặng thời khóa (chỉ tùy hoàn cảnh thuận tiện), mà chú trọng tâm niệm. Trong tất cả thời, mọi hoạt động đi đứng ngồi nằm, làm việc nghỉ ngơi, cần thấy rõ từng tâm niệm của mình, để không theo, hoặc hằng sống với ông chủ, không bị ngoại duyên lôi cuốn. Những phút giây nào quên lửng tâm niệm mình, coi như phạm tội buông lung đáng trách.

Cho nên nói “đi đứng, nói nín, hái củi, nhặt rau, thổi lửa, nấu cơm đều là thiền”. Người tu thiền này, mới nhìn dường như họ thong thả lơi lỏng, thật ra họ miên mật từng tâm niệm. Thiền này là cội gốc thành Phật tác Tổ.

Một hôm, Vương Thường Thị vào thăm Thiền viện của Tổ Lâm Tế, đến nhà Đông sang nhà Tây, thấy chúng đông đảo, ông hỏi Tổ Lâm Tế:
– Chúng đông đảo thế này, có dạy tụng kinh, tọa thiền chăng?
– Không.
– Dạy họ làm gì?
– Dạy họ làm Phật làm Tổ.

Đấy là pháp tu tinh tế vi mật trong tâm niệm, không thuộc hình thức bên ngoài. Tổ Lâm Tế cũng nói: “Kẻ ngu cười ta, người trí biết ta.” Kẻ phàm ngu khó hiểu nổi lối tu này, bậc trí giả khả dĩ thông suốt. Lối tu này không có cấp bậc phương tiện, chỉ một bề sống với lý tánh chân thật. Lý tánh không có tướng mạo, nên người tu khó nhận, khó thấy sự tiến bộ của mình. Do đó, đòi hỏi người tu phải lập chí sắt đá, mới mong có ngày thành công.

(Hết)

 

 

Trả lời