THIỀN – TT Thích Chân Quang – Phần 3

(Tiếp phần 2)

KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI CÁC PHÉP QUÁN KHÁC.

Sau khi đã thuần thục quán hơi thở, thường là rất lâu, ta kết hợp hơi thở lần lượt với các phép quán như sau:

KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI BIẾT RÕ TOÀN THÂN:

· Hơi thở vào, biết rõ toàn thân.
· Hơi thở ra, biết rõ toàn thân.
· Để tâm dưới bụng và biết hơi thở nhẹ nhàng cùng một lúc.

KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI QUÁN THÂN VÔ THƯỜNG:

· Hơi thở vào, biết thân này là vô thường.
· Hơi thở ra, biết thân này là vô thường.
· Hơi thở vào, biết trong thân vô thường có hơi thở vào.
· Hơi thở ra, biết trong thân vô thường có hơi thở ra.
· Vừa để tâm dưới bụng vừa biết hơi thở nhẹ nhàng cùng một lúc. (Hơi thở này giúp chúng ta phá vỡ chấp thân dần dần.)

KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI LỜI NGUYỆN:

· Hơi thở vào nguyện lòng thương yêu chúng sanh.
· Hơi thở ra nguyện lòng thương yêu chúng sanh.
· Cùng một lúc vừa để tâm dưới bụng vừa biết hơi thở nhẹ nhàng. (Hơi thở này có công năng diệt trừ vọng tưởng rất tốt những khi ta bị thất niệm. Phước của tâm từ bi giúp cho ta tỉnh giác hơn và thoát ra khỏi vọng tưởng.)

KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI BIẾT TÂM NÀY LÀ PHIỀN ĐỘNG:

· Hơi thở vào, biết tâm còn phiền động.
· Hơi thở ra, biết tâm còn phiền động.
· Hơi thở này được áp dụng khi tâm đã được yên lắng, để ngăn chặn tâm niệm kiêu mạn tự hào bí mật phát sinh, vì lúc này ta hay tự âm thầm khen mình. Dù tâm có yên lắng nhưng phiền não, xao động, chấp trước vẫn còn, vọng tưởng, phiền não vẫn có thể bất ngờ xuất hiện. Vì vậy sự cảnh giác, không chủ quan là cần thiết là công đức.
Ghi chú: Mới ban đầu ta chỉ vừa thở vừa biết rõ toàn thân. Lâu ngày tự nhiên biết rõ thêm nội tâm dù không cố ý. Lúc đó, ta vừa biết hơi thở, vừa biết toàn thân, vừa biết nội tâm. Cùng một lúc biết cả ba điều mà vẫn nhẹ nhàng thoải mái.

KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI KHÍ CÔNG TÂM PHÁP VÀ CỐ CĂN

Sau khi đã thuần thục hơi thở với các phép quán trên, thời gian là rất lâu. Tới giai đoạn này, về phía thân đã tạm ổn định, chúng ta cần đi sâu vào điều tâm để thanh lọc dần dần tâm hồn của mình. Nhưng khi điều tâm, chúng ta lại bị mất chân âm, do phải tập trung trên đầu để gạn lọc tâm. Do đó, nếu chúng ta không có đủ chân âm thật sâu rộng, vững vàng thì quá trình điều tâm của ta rất cạn cợt, dễ bệnh, không đi sâu vào thiền định được. Tới lúc này chúng ta mới thấy tác dụng to lớn của Khí công đối với công phu tu tập thiền định. Tuy nhiên, tới giai đoạn này thì ngoài khí công ra, ta phải bổ sung thêm nguồn chân âm bằng phương pháp cố căn. Lưu ý là tới giai đoạn này, chúng ta phải dành thêm thời gian để luyện tập phương pháp cố căn này ngoài thời gian ngồi thiền hằng ngày.

BƯỚC CHUẨN BỊ:

· Muốn dụng công thực hành khí công tâm pháp này, trước hết chúng ta phải có nền tảng thiền của Đạo Phật, bao gồm những công phu căn bản như ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, biết rõ toàn thân, quán thân là vô thường, tâm là hư vọng, thở ra vào theo các bước như trên. Nền tảng này phải được củng cố vài năm cho vững chắc.
· Phải tu dưỡng đạo đức với những tâm lý căn bản như tôn kính Phật, từ bi thương yêu chúng sinh, khiêm hạ để tôn trọng mọi người…
· Siêng năng gây tạo nhiều công đức bằng cách giúp đỡ mọi người trong cuộc sống.

CÁCH DỤNG CÔNG:

· Chúng ta cũng bắt đầu giống như nghi thức vào thiền, tác ý khởi ba tâm hạnh căn bản, dụng công theo thiền khoảng 10 phút rồi mới bắt đầu tư thế này.
· Bàn tay phải để dưới bàn tay trái như thường lệ, nhưng đan chen một ngón trỏ với nhau để giữ hai bàn tay cho chặt.
· Hai đầu ngón út chạm vào nhau và chỉa vào huyệt đan điền. Chỉ chạm nhẹ, vừa đủ, không đẩy vào sâu, không rời xa khỏi da.
· Khi thở vào biết rõ toàn thân an trú tâm nhẹ nhàng một điểm nhỏ ở huyệt đan điền, rồi nín thở đóng van mũi hoàn toàn (giống như lúc lặng xuống nước) sau đó nhíu mạnh cơ hậu môn (cố căn). Nơi đây có huyệt Hội âm nơi âm nhất trên cơ thể. Khi thở ra để tâm an trú ở huyệt long vĩ quan (ba đốt xương sống cuối cùng).

KẾT QUẢ

Dấu hiệu để biết ta tu đúng là nguyên vùng đáy của bụng dưới ấm dần lên, tâm rỗng nhẹ, dễ kiểm soát vọng tưởng, đi vào an định dần dần. Trong đời sống thì ta có sức khỏe hơn, trí óc minh mẫn hơn. Còn nhiều kết quả lý thú mà mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận khi dụng công tập luyện.

Lưu ý:
· Khi hít vào để cho hơi thở tự nhiên không can thiệp, tâm nhẹ nhàng an trú tại một điểm nhỏ ở đan điền (nơi hai đầu ngón tay út chạm nhau).
· Điều cực kỳ hệ trọng là ta chỉ an trú ngoài da chứ không được để tâm sâu vào một ly nào bên trong da thịt.
· Mỗi lần nín thở, ta cố căn một lần, hai lần, hoặc ba lần tùy theo khả năng mỗi người. Hễ thấy căng đầu là phải dừng, không được tiếp tục cố gắng.
· Khi hơi thở đi ra, nhớ là để cho hơi thở tự nhiên, không can thiệp điều khiển. Lúc này tâm an trú tại long vĩ quan và chỉ ở ngoài da, không được để sâu vào đốt sống.
· Không cố ý dẫn, kéo, đẩy hơi thở đi. Chỉ nhẹ nhàng tuần tự an trú tâm theo ba điểm: đan điền, cố căn hậu môn và long vĩ quan.
· Cực kỳ quan trọng là phương pháp này có đụng đến huyệt Hội âm, nơi nằm giữa cơ quan sinh dục và hậu môn. Khi tưởng tượng hơi thở đi qua những điểm này, làm ta rất dễ giấy khởi lên tâm niệm động dục. Cho nên, khi đã tu đến mức độ này rồi, người tu phải cố gắng tuyệt dục, lấy mục tiêu vô ngã, giải thoát, độ hóa chúng sinh làm đầu.

(Còn tiếp) 

Trả lời