THIỀN – TT Thích Chân Quang – Phần 4 (Hết)

(Tiếp phần 3)

ĐIỀU TÂM

Sau khi người tu tập đã tích đủ nội lực, chân âm cần thiết để cho quá trình tu tập sau này, thời gian này thường rất lâu. Tùy thuộc vào công đức, đạo đức và khí công của mình mà thành tựu được mức độ này. Tiếp theo, hành giả bước vào giai đoạn điều tâm.

BIẾT RÕ CẢM GIÁC HỶ THỌ:

· Khi điều thân thuần thục vọng tưởng lắng yên nhẹ nhàng, cảm giác hỷ thọ sẽ xuất hiện. Cảm giác này làm cho người tu hân hoan thích thú, đây là dấu hiệu của kết quả tốt nhưng không được cố chấp, bởi vì ý niệm này sẽ trở thành sự tự hào bí mật.
· Phật dạy chúng ta chỉ biết rõ chứ không được hưởng thụ, đắm luyến và đi tìm lại cảm giác này.
· Khi cảm giác hỷ thọ xuất hiện chúng ta chỉ biết rõ chứ không chấp nhận.

BIẾT RÕ CẢM GIÁC LẠC THỌ:

· Kết quả xuất hiện sau cảm giác hỷ thọ là cảm giác lạc thọ. Trạng thái này vi tế hơn, làm tâm ta vui sướng, êm ả nên bỏ quên việc theo dõi hơi thở và Bản Ngã âm thầm phát triển.
· Phật dạy chúng ta luôn biết rõ hơi thở mặc dù cảm giác vui sướng nhẹ nhàng xuất hiện tràn ngập trong tâm.

Ý MUỐN BUÔNG BỎ VỌNG TƯỞNG:

· Phải có ý muốn buông bỏ vọng tưởng một cách dứt khoát. Có ba giai đoạn cần biết:
o Vọng tưởng khởi lên hành giả không biết nên bị chìm theo.
o Biết vọng tưởng đang khởi nhưng không muốn vọng tưởng chấm dứt.
o Biết vọng tưởng khởi lên và muốn cho vọng tưởng tắt nên dừng lại được.

CẢM GIÁC VỀ TÂM:

· Tu tập đến mức độ vọng tưởng và tình cảm vắng bóng, tâm sẽ đạt đến trạng thái thanh tịnh, sáng suốt, an lạc phủ trùm mênh mông.
· Đến lúc này vẫn biết rõ hơi thở (mặc dù hơi thở hết sức vi tế) vì Bản Ngã vẫn còn tồn tại, dấu mặt rất kín đáo.
Đến đây, thì hành giả tiếp tục giai đoạn điều tâm này, cho đến khi chứng được chánh niệm tỉnh giác. Thời gian là rất lâu. Đa số, mọi người tu tập cần phải hết một đời mới đạt được chánh niệm tỉnh giác này. Nên hành giả đừng nản chí, cứ vững chắc trên con đường tu tập của mình.

KẾT THÚC

HỒI HƯỚNG

Trước khi xả thiền đọc bài kệ xả thiền và đọc bài hồi hướng (nếu ngồi một mình thì niệm thầm, nếu ngồi tập thể thì niệm lớn chung với đại chúng).

Kệ xả thiền

Tam bảo gia hộ cho con
Lúc thức cũng như lúc ngủ
Ban ngày cũng như ban đêm
Luôn nhớ thân này vô thường.

Khi đi hoặc là khi đứng
Khi ngồi hoặc là khi nằm
Lúc làm việc hay nghỉ ngơi
Luôn nhớ thân này vô thường.

Khi nghe cũng như khi nói
Đông người hay ở một mình
Xem phim hay là đọc sách
Luôn nhớ thân này vô thường.

Lúc ăn cơm hay uống nước
Khi tắm rửa hay vệ sinh
Đắp y hay mang giày dép
Luôn nhớ thân này vô thường.

Những khi tâm con tỉnh giác
Càng nhớ thân này vô thường
Nguyện cho chúng sinh khắp chốn
Luôn nhớ thân này vô thường.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

(tiếp theo đọc bài hồi hướng)
Nguyện pháp giới chúng sinh
Cùng tinh tấn tu hành
Thoát chấp ngã vô minh
Đồng viên thành Phật đạo.

XẢ THIỀN

(Thao tác kế tiếp là những động tác xoa bóp nhẹ nhàng)
· Cúi đầu lên xuống chừng 5 lần.
· Xoay đầu qua lại chậm chậm chừng 5 lần.
· Chuyển động hai vai theo hình tròn lên xuống chừng 5 lần và xoay ngược lại chừng 5 lần.
· Xoay toàn thân dựa trên trục eo lưng qua lại hai bên, mỗi bên khoảng 5 lần.
· Bóp bóp hai bàn tay, xoa hai cánh tay.
· Áp bàn tay chà xát cho nóng. Rồi đưa tay lên xoa đầu, mặt, hai tai, cổ, gáy (khoảng chừng 30 giây)
· Xoa hai bàn tay thật nóng rồi áp vào mắt (10 lần)
· Xoa ngực, bụng, sườn
· Rồi kéo chân ra xoa bóp nhẹ nhàng.
· Sau đó, ngồi tại chỗ một chút cho thoải mái.
(kế đến quỳ lạy Phật 3 lễ rồi đi kinh hành)

KINH HÀNH

Khi đi bách bộ kinh hành vẫn giữ tâm yên tĩnh như khi ngồi thiền
· Biết rõ toàn thân

· Quán thân vô thường

HƯỚNG DẪN THIỀN VỚI NGƯỜI ÍT CÓ THỜI GIAN.

Trong những buổi toạ thiền ở các dịp lễ hội đông người. Người mới tu lần đầu và thời gian thực tập không có nhiều thì ta vẫn linh động hướng dẫn những căn bản để sau đó khi về nhà người ta có thể áp dụng có kết quả:
1. Ngồi đúng tư thế.
2. Thở vào biết rõ toàn thân; thở ra biết rõ toàn thân.
3. Thở vào giữ thân mềm mại bất động; thở ra giữ thân mềm mại bất động.
4. Thở vào thấy thân này vô thường; thở ra thấy thân này vô thường.
5. Thở vào nguyện lòng thương yêu chúng sanh; thở ra nguyện lòng thương yêu chúng sanh. (khi tâm loạn)
6. Thở vào biết tâm còn phiền động; thở ra biết tâm còn phiền động. (khi tâm yên)
7. Xả thiền

-Đệ Tử Thiền Tôn Phật Quang-

Trả lời