BÀI HỌC VỀ LÒNG QUYẾT TÂM CỦA CÁC THIỀN SƯ NHẬT BẢN

Vùng núi phía đông bắc bên ngoài thành phố Kyoto, Nhật Bản có một ngọn núi tên là Hiei. Từ xa bạn có thể nhìn thấy hàng loạt ngôi mộ không tên nằm rải rác khắp nơi trên núi. Đây là mộ của những thiền sư phái Tendai – những người đã không hoàn thành được thử thách có tên gọi là Kaihogyo. Vậy Kaihogyo là thử thách gì mà đã đánh gục hàng loạt nhà sư kiên cường đó? Và liệu chúng ta có thể học được gì từ nó?

Những nhà sư marathon

Tendai, một trường phái của đạo Phật ở Nhật Bản, tin rằng trạng thái tỉnh thức/giác ngộ của đạo Phật có thể đạt được ở kiếp này, nhưng chỉ bằng cách từ bỏ cực độ. Hành động cao nhất để thể hiện sự từ bỏ cực độ này, cũng là con đường đi đến giác ngộ, chính là hoàn thành Kaihogyo. Những nhà sư tham gia thử thách này còn được gọi là “nhà sư marathon.” Tuy nhiên, Kaihogyo là chặng đường gian khổ hơn một cuộc marathon gấp nhiều lần.

Nội dung của thử thách Kaihogyo
Kaihogyo là một thử thách 1.000 ngày diễn ra trong thời gian 7 năm.

Năm 1: đi bộ 30km/ngày trong 100 ngày liên tiếp.

Năm 2: đi bộ 30km/ngày trong 100 ngày liên tiếp.

Năm 3: đi bộ 30km/ngày trong 100 ngày liên tiếp.

Năm 4: đi bộ 30km/ngày, lần này là trong 200 ngày liên tiếp.

Năm 5: đi bộ 30km/ngày trong 200 ngày liên tiếp. Sau đó, sống 9 ngày liên tục không có thức ăn, nước hay ngủ. Có 2 người khác đứng bên cạnh mọi lúc để canh cho nhà sư đó không ngủ gục.

Năm 6: đi bộ 60km/ngày trong 100 ngày liên tiếp.

Năm 7: đi bộ 84km/ngày trong 100 ngày liên tiếp. Sau đó, đi bộ 30km/ngày trong 100 ngày cuối cùng.

Chỉ tưởng tượng thôi cũng thấy được sự khắc nghiệt cực độ. Tuy nhiên, còn một luật khác khiến Kaihogyo khác biệt với bất kì thử thách nào khác.


Một nhà sư đang trong quá trình thực hiện nghi lễ linh thiêng Kaihogyo của mình.​

Ngày thứ 101

Trong 100 ngày đầu tiên, các nhà sư có quyền rút khỏi thử thách Kaihogyo. Tuy nhiên, từ ngày 101 trở đi, quyền rút bỏ bị mất. Mọi nhà sư phải hoặc là hoàn thành thử thách Kaihogyo, hoặc là… tự chấm dứt cuộc đời mình. Chính vì điều này, mỗi nhà sư đều mang theo một sợi dây thừng hoặc một lưỡi gươm ngắn trong suốt quá trình. Trong hơn 200 năm qua, chỉ có 46 nhà sư đã hoàn thành thử thách này. Rất rất nhiều các nhà sư khác đã bỏ mạng tại những ngôi mộ không tên nằm rải rác trên núi Hiei.

3 Bài học về lòng quyết tâm và sự cam kết

Thực tế cuộc sống của tôi và bạn sẽ ít khi phải đối diện với thử thách nào khốc liệt như thế này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể áp dụng những bài học mà ta đã học được từ đây vào cuộc sống và công việc hàng ngày.

1. Hoàn thành hay là chết.

Bạn có thể áp dụng thái độ “hoàn thành hay là chết” vào công việc, dự án, mục tiêu của bạn, nhưng với một ý nghĩa hơi khác một chút: hoặc là bạn hoàn thành mục tiêu, hoặc là bạn giết chết nó. Nói cách khác, nếu điều gì đó quan trọng đối với bạn thì hãy cố gắng hết sức để hoàn thành nó. Nếu không, bạn hãy vứt bỏ nó ngay từ đầu.

Bạn có thể đang có rất nhiều dự án và ý tưởng dở dang: đã bắt đầu, nhưng chưa kết thúc và có khả năng là sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả. Lý do duy nhất là nó không đủ quan trọng đối với bạn để thực sự kết thúc nó. Bạn không cần những dự án nửa vời như thế. Hãy lấp đầy cuộc đời mình với những mục tiêu đáng để hoàn thành và loại bỏ những thứ nửa vời còn lại.

2. Nếu bạn không cam kết với mục tiêu nào, bạn sẽ bị phân tán bởi mọi thứ.

Các nhà sư marathon biết chính xác mục tiêu họ: đó là phải hoàn thành Kaihogyo. Và trong suốt 7 năm, họ dồn hết sức lực và ý chí quyết tâm chỉ để hoàn thành bằng được mục tiêu này. Mọi thứ khác đều bị coi là không đủ quan trọng. Bạn nghĩ những nhà sư này có bị phân tán bởi TV, phim ảnh, Internet… hay bất cứ điều gì khác mà chúng ta thường tốn thời gian vào? Câu trả lời tất nhiên là không.

Bạn có thể làm điều tương tự đối với cuộc đời của mình. Mỗi người chúng ta đều có một ước mơ to lớn nào đó. Bạn muốn giải quyết một bài toán khó cho khách hàng, bạn muốn xây dựng một sản phẩm mà mình có thể tự hào, bạn muốn trở thành lập trình viên số 1 Việt Nam? Bạn có dành thời gian cho những mục tiêu này hơn hẳn những điều khác hay không? Bạn có tổ chức cuộc đời mình để hoàn thành mục tiêu này hay không? Nếu bạn không cam kết với cái gì, bạn sẽ đánh mất tập trung và bị phân tán bởi mọi điều khác.

3. Không quan trọng mục tiêu của bạn sẽ kéo dài bao lâu. Cứ bắt đầu đã.

 

Vào ngày thứ 101, các nhà sư phái Tendai vẫn còn hàng nghìn km và 900 ngày nữa mới đạt được mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, họ vẫn chấp nhận thử thách và rèn luyện ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. 7 năm sau, họ hoàn thành mục tiêu của mình.

“Đừng từ bỏ ước mơ của bạn chỉ vì điều đó cần nhiều thời gian để hoàn thành. Thời gian đằng nào thì cũng sẽ trôi qua thôi.” ~ H. Jackson Brown

Bài học lớn nhất

Bài học lớn nhất các nhà sư phái Tendai dạy cho bạn và tôi đó là bài học về lòng quyết tâm và sự cam kết. Bạn hãy thử tưởng tượng cảm giác về sự cam kết các nhà sư marathon cảm thấy vào ngày 101, khi nghĩ về 900 ngày tiếp theo, và khi có một mục tiêu quan trọng đến mức: bạn hoặc là hoàn thành nó, hoặc là chết.

Nếu bạn có một mục tiêu thực sự quan trọng với cuộc đời mình, hãy gạt bỏ tất cả những điều tầm thường khác. Hãy bắt đầu làm việc cật lực để hướng tới mục tiêu của mình và cam kết sẽ đến đích. Mỗi thử thách đều có một bước ngoặt đáng nhớ. Hôm nay có thể là ngày thứ 101 của bạn trên con đường hướng tới mục tiêu của mình. Hôm nay cũng có thể là Ngày Cam Kết của bạn.

* Bài viết được dịch và biên tập lại từ bài viết gốc tại Bufferapp Blog

Trả lời