Vô Nguyện – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Ở Tây phương, người ta làm việc gì cũng phải có mục đích hẳn hòi. Đi đâu, người ta cũng chỉ nghĩ tới chuyện đến, và người ta chỉ nhắm thẳng hướng đó mà đi đến. Cái đó cũng có cái lợi, nhưng đôi khi chúng ta quên mất cái thú đang được đi trên đường.

Trong đạo Bụt có một giáo lý gọi là vô nguyện, nghĩa là ta chẳng cần phải chạy theo một cái gì cả vì cái gì cũng có sẵn trong ta rồi. Khi đi thiền hành, chúng ta chẳng cần phải tới nơi nào hết. Chúng ta chỉ cần bước những bước thật an lạc và thảnh thơi. Nếu cứ nghĩ đến tương lai, để những gì mình phải đạt được, thì chúng ta quên mất những bước chân. Khi ngồi thiền cũng vậy. Mình ngồi vì mình thích ngồi vậy thôi, không phải để đạt được một cái gì hết. Điều này rất quan trọng. Khi ngồi thiền, mỗi giây phút đưa mình tiếp xúc với sự sống, nên suốt buổi ngồi thiền mình cảm thấy rất an lạc. Khi ăn một múi quít hay uống một chén trà cũng vậy, mình phải ăn và uống trong tinh thần vô nguyện đó.

Thường thường chúng ta tự bảo rằng:” Không nên ngồi ì ra đó. Phải làm một cái gì chứ”. Nhưng khi thực tập chánh niệm, ta thấy rằng chẳng cần phải làm gì cả, chỉ cần ngồi yên và có mặt như vậy thôi. Học cách ngồi yên là học cách dừng lại là để nhìn cho rõ.

Lúc đầu ta tưởng rằng dừng lại là một hình thức phản kháng đời sống hiện tại, thật ra không phải thế. Đó không phải là một thái độ chống trả mà là một nghệ thuật sống. Nhân loại có tồn tại được hay không là tùy ở khả năng biết dừng lại của chúng ta. Hiện nay thế giới có hơn 50.000 đầu đạn nguyên tử, thế mà người ta vẫn chưa muốn dừng lại, vẫn còn muốn chế tạo nhiều hơn nữa. Cho nên dừng lại không những là dừng lại những cái nguy hại mà còn tạo cơ hội cho những cái lành phát triển.

Chúng ta tu là vì vậy, không phải để trốn thoát đời sống mà chính là để chứng nghiệm rằng hạnh phúc trong cuộc đời là có thật, có ngay bây giờ và trong tương lai. Muốn có hạnh phúc thì phải có chánh niệm. Chánh niệm là nền tảng của hạnh phúc. Nếu chúng ta không biết rằng chúng ta đang có hạnh phúc thì làm sao hạnh phúc có mặt được?

Khi chúng ta bị nhức răng, chúng ta mới biết rằng không nhức răng là một điều hạnh phúc. Thế mà khi không bị nhức răng, chúng ta không thấy hạnh phúc. Trong cuộc đời còn biết bao nhiêu điều mầu nhiệm nhưng vì không tu tập chánh niệm nên ta không biết thưởng thức. Khi có tu tập chánh niệm, ta mới biết trân quý những cái mầu nhiệm đó, ta mới biết giữ gìn chúng. Biết chăm sóc cho hiện tại là biết chăm sóc cho tương lai. Muốn tạo an lạc cho tương lai thì phải biết tạo an lạc cho giây phút hiện tại.

Trích An lạc từng bước chân – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trả lời