Ngôi chùa 20 năm không đốt vàng mã, dành tiền tỷ giúp người nghèo

Chùa Liên Hoa (quận 11, TP.HCM) được biết đến là ngôi chùa suốt 20 năm nay “nói không” với việc đốt vàng mã. Những Phật tử đến đây chỉ thắp nhang và gửi tiền làm từ thiện.

Trụ trì của chùa, Thượng tọa Thích Duy Trấn (70 tuổi) có những chia sẻ xoay quanh việc thay đổi được cho là mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Đốt vàng mã không có trong giáo lý đạo Phật

Ngồi thảnh thơi tại phòng thờ, vị Thượng tọa kể chùa Liên Hoa được thành lập năm 1970. Ban đầu, các Phật tử đến chùa đều thắp nhang, đốt vàng mã cho người đã khuất như ở bao ngôi chùa khác.

Mãi đến năm 1997, trong một chuyến đi từ thiện giúp đồng bào Huế bị thiên tai lũ lụt, khi đến ngôi trường mang tên Minh Tâm, nhìn thấy sách vở học tập của các em học sinh ở một vài trường học nơi đây ố vàng hơn cả những tờ vàng mã mà mọi người vẫn đem đến chùa để đốt, Thượng tọa Thích Duy Trấn trăn trở về việc làm cách nào để giúp được học sinh nghèo nơi đây.

Ngày 30/6/1998, Chùa Liên Hoa chính thức ra thông báo được viết trên tấm bảng đen với nội dung: “Các phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa”.

Cùng với đó, lò hoá vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế.

Không gian thờ tự tại chùa Liên Hoa hầu như không có bát cắm nhang.

Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, lúc đầu, việc vận động phật tử không đốt vàng mã gặp nhiều khó khăn. Nhiều phật tử cho rằng tại sao các chùa khác vẫn đốt bình thường mà chùa Liên Hoa lại cấm. Một số người đã phản ứng bằng cách xin thỉnh hủ cốt người thân đem về nhà hoặc thờ ở chùa khác. Tuy nhiên, trụ trì chùa Liên Hoa vẫn kiên định với quan điểm của mình.

“Tôi vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục khuyến khích những phật tử còn lại hưởng ứng chủ trương không đốt vàng mã khi đến chùa, thay vào đó dành tiền làm từ thiện. Vậy là trong năm 1998, chúng tôi đã gom góp được 300 phần quà, thực hiện chuyến đi thiện nguyện đầu tiên bằng số tiền từ việc không với đốt vàng mã”, Thượng tọa kể.

Vị trụ trì cho rằng việc đốt vàng mã không mang ý nghĩa gì, vì nếu có thì trong kinh phật đã có ghi lại. Chính vì điều này làm Thượng tọa nghĩ rằng duy trì việc này là không nên. Việc giữ suy nghĩ “trần sao âm vậy”, không đốt vàng mã thì ông bà, cha mẹ, người thân sẽ thiếu thốn là do nhân gian truyền miệng từ đời này sang đời nọ.

“Từ xưa đến nay người ta đều quan niệm cái dân gian nói là đúng. Nhưng tuyệt nhiên không ai cho rằng đó là sai, nên thế hệ con cháu sau này đều áp dụng theo. Nếu người xưa bảo việc đốt vàng mã là phí phạm và truyền miệng qua nhiều đời, chắc rằng việc này đã được bỏ từ lâu. Mình hãy mở cánh cửa rộng ra, quan sát các nước như Singapore, Canada, Mỹ, họ không đốt vàng mã nhưng nước bạn vẫn phát triển”, vị Thượng tọa nói.

Việc bỏ phải đi cùng giải pháp

Trụ trì chùa Liên Hoa cho rằng thực hiện việc bỏ đốt giấy tiền vàng mã là chuyện hết sức nhỏ nhặt so với rất nhiều chỉ thị nghiêm ngặt trước đó. Thượng tọa dẫn chứng như việc cấm đốt pháo hay quy định phải đội nón bảo hiểm, ban đầu cũng gặp khó khăn nhưng dần dần đều đi vào nề nếp, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành.

Tuy nhiên, sư thầy Thích Duy Trấn cũng bày tỏ quan điểm đây là câu chuyện hết sức khó khăn, không phải thực hiện trong một sớm một chiều. Và để thành công thì Nhà nước cần phải làm mạnh tay dù có thể phải mất một thời gian dài.

“Từ năm 1975 đến nay đã 43 năm nhưng không hề có ai đề cập gì đến việc hạn chế hay cấm đoán chuyện đốt vàng mã. Nhưng nay lại khuyến khích bỏ thì phải chỉ ra được dựa trên căn cứ gì, lợi ích của việc không đốt vàng mã là gì thì mới thuận tình được. Tôi thiết nghĩ cần phải có cơ quan đứng ra giải trình vấn đề này”, vị trụ trì nói.

Thượng tọa Thích Duy Trấn là người tiên phong trong việc loại bỏ đốt vàng mã ở chùa.

Bà Hồ Thị Mỹ (70 tuổi, quê Nha Trang), làm công quả ở chùa Liên Hoa hơn 10 năm nay, cũng đồng tình với việc làm của sư thầy. “Sau thời gian gắn bó với chùa, nghe thầy (Thượng tọa Thích Duy Trấn – PV) giảng dạy lợi ích của việc không đốt vàng mã, gia đình tôi ở quê cũng bỏ. Mình cứ nhắm mắt tưởng tượng đang đốt vàng mã thì coi như mình đã đốt rồi, để dành tiền đó làm từ thiện có ý nghĩa hơn rất nhiều lần”, bà chia sẻ.

Là người ủng hộ mạnh mẽ đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các chùa của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Duy Trấn cũng trăn trở về việc một bộ phận không nhỏ người dân vốn sống bằng nghề sản xuất, buôn bán vàng mã. Nay, nếu bỏ thì họ sẽ đứng trước khó khăn.

“Những nơi sản xuất, buôn bán mình không cấp phép cho họ nữa thì họ buộc phải chuyển nghề khác. Do đó, cần phải nghiên cứu, hỗ trợ công ăn việc làm để cho họ ổn định cuộc sống”, vị trụ trì nhấn mạnh.

Sư thầy Thích Duy Trấn bất chợt nhớ lại ngày mà mình đưa ra quyết định được xem là “bước ngoặt” của chùa Liên Hoa, có một người đã “cảnh báo” rằng chùa sẽ sớm đóng cửa. Nhưng sau 20 năm thực hiện, cửa chùa ngày càng rộng mở, phật tử tìm đến ngôi chùa này ngày càng đông.

Năm 2016, số tiền đóng góp từ việc đốt vàng mã tại chùa Liên Hoa là hơn 2 tỷ, đến năm 2017, số tiền này đã tăng lên 3,7 tỷ đồng. Sư thầy đã cùng với các Phật tử phát quà đều đặn cho người nghèo các tỉnh Kon Tum, Quảng Bình.

“Tôi nghĩ rằng hữu xạ tự nhiên hương, mình cứ làm chuyện mình cho là đúng, kiên trì với con đường mình chọn thì nhất định sẽ thành công. Mong rằng các chùa trong 63 tỉnh, thành cả nước đều thực hiện được điều này thì chúng ta sẽ làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho bá tánh”, Thượng tọa nói.

Ngày 12/2, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu ký công văn số 31 gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường nét đẹp văn hóa dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Trong đó, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa phật giáo Việt Nam.

Trả lời